Tìm giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh

Thứ năm - 08/09/2022 22:13
Chiều 08/9, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2021 và tìm giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới. Các đồng chí: Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnhcác chuyên gia; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Trưởng các Ban, tổ chức Đảng, chính trị xã hội; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan Trung ương tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn tỉnh; các đồng chí Bí thư và Chủ tịch của 21 huyện, thành phố, thị xã; sự có mặt của đại diện lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các trường đào tạo cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự hội thảo

Mong muốn tìm giải pháp cụ thể, hiệu quả

Anh-tin-bai

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, Nghệ An đặt ra quyết tâm trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh một cách thực chất, hiệu quả

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một chỉ số có vai trò rất quan trọng, là hệ thống phản hồi thông tin từ các dịch vụ hết sức khách quan, phản ánh được môi trường cạnh tranh cấp tỉnh cũng như chất lượng trong công tác điều hành, nhất là điều hành về phát triển kinh tế; nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số PCI đối với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế, từ năm 2012, Nghệ An đã sớm ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số PCI với nhiều giải pháp đồng bộ. Và thực tế trong giai đoạn 2016-2020 tại Nghệ An đã có những chuyển biến hết sức tích cực. PCI của Nghệ An luôn nằm trong nhóm khá và dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ. Năm 2021, điểm số PCI của tỉnh Nghệ An là 64,74 (tăng 0,01 điểm so với năm 2020), tuy nhiên thứ hạng của tỉnh Nghệ An giảm 12 bậc từ 18 xuống 30 trong bảng tổng hợp xếp hạng chỉ số PCI toàn quốc.

Kết quả đó cho thấy mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh còn chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra. Đâu đó vẫn còn những những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Mặc dù, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, song vẫn chưa thể tìm ra giải pháp có tính bứt phá để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Nghệ An đặt ra quyết tâm trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh một cách thực chất. Chính vì vậy, với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tỉnh mong muốn các chuyên gia có phân tích, đánh giá thẳng thắn, khách quan, trực diện; ý kiến của các doanh nghiệp, các sở, ngành liên quan trực tiếp đến yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh… Trên cơ sở đó, Nghệ An tìm ra được giải pháp cụ thể hiệu quả nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Nghệ An còn rất nhiều không gian để cải cách

Anh-tin-bai

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng tốc độ cải cách cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để có thể khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế của tỉnh Nghệ An

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho hay: Qua nghiên cứu, cập nhật thông tin về tình hình KT-XH và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, VCCI nhận thấy tỉnh Nghệ An còn rất nhiều không gian để cải cách. Tuy nhiên, tốc độ cải cách cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để có thể khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, báo cáo PCI chỉ rõ nhiều khía cạnh đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp mà chính quyền tỉnh có thể tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách phục hồi kinh tế. Trong đó, VCCI đề nghị tỉnh nghiên cứu thành lập mô hình hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng tập trung một đầu mối để giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, quận, huyện (DDCI). Đây đều là các mô hình được các tỉnh, thành phố thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua.

Nhấn mạnh vai trò đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại tỉnh là vô cùng quan trọng, Chủ tịch VCCI đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An chú trọng tới vai trò, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách tại tỉnh.

Tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp và có chính sách rõ ràng, nhất quán

Anh-tin-bai

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế, VCCI phân tích đánh giá các chỉ số thành phần

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế, VCCI đã đánh giá môi trường kinh doanh tại tỉnh Nghệ An; chất lượng điều hành kinh tế tỉnh Nghệ An qua kết quả PCI, từ đó đưa ra một số khuyến nghị để tỉnh Nghệ An nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới.

Đánh giá chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An trong năm 2021, theo ông Đậu Anh Tuấn: Thủ tục đăng ký hoặc sửa đổi Đăng ký Doanh nghiệp (ĐKDN) diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn. Các chính sách hỗ trợ có thể được tiếp cận tương đối dễ dàng. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh cung cấp các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Song, chất lượng bộ phận một cửa trong quá trình đăng ký hoặc thay đổi ĐKDN cần cải thiện nhiều hơn nữa. Các thủ tục hành chính (TTHC) nhìn chung vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội thảo

Tình hình giải quyết TTHC về đất đai ở tỉnh nhìn chung ít vấn đề hơn nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, tình trạng chi trả chi phí không chính thức khá phổ biến; trong đó môi trường và xây dựng là hai trong số những lĩnh vực mà tình trạng chi trả chi phí không chính thức diễn ra phổ biến nhất.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng tỉnh cần tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp và chính sách rõ ràng, nhất quán trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ "cho phép”, "cấp phép” sang tư duy "phục vụ”, chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp.

Các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư. Địa phương cần tiếp tục quan tâm đến các giải pháp tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp; đồng thời đầu tư công trình trọng điểm cho các huyện, nhất là về giao thông, khu - cụm công nghiệp...

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh

Theo bà Vũ Thị Kim Chi, tỉnh Quảng Ninh luôn đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, trăn trở tìm ra điểm nghẽn, tìm ra động lực và nguồn lực mới. Triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng “xanh”, hạ tầng “xanh”, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số... định hình hệ sinh thái khởi nghiệp thế hệ mới. Nhận thức đầy đủ vai trò của các  khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Quảng Ninh thực hiện các giải pháp với quan điểm đi đến cùng, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư với phương châm “thành công của bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”…

Dưới góc độ của những cơ quan trực tiếp giải quyết các TTHC, thực hiện yêu cầu cải cách hành chính, cải thiện môi trường, tại hội thảo, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, vướng mắc và đề ra giải pháp để cùng chung tay với tỉnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như thứ hạng PCI của tỉnh. Cùng với đó, Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng đã nêu lên mong muốn của mình đối với nền hành chính công của tỉnh để tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh về các nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn và đánh giá cao Báo cáo về chỉ số PCI mà VCCI đã thực hiện; cùng với đó là những phân tích khách quan, chất lượng và những khuyến nghị thiết thực, chất lượng cho tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cảm ơn những ý kiến đóng góp hết sức thẳng thắn, cởi mở của các đơn vị, doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho Nghệ An trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện chỉ số PCI không chỉ hướng đến mục tiêu cải thiện thứ bậc mà mục tiêu lớn hơn là cải thiện thực chất môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Cần phải xem việc cải thiện chỉ số PCI chính là mục tiêu, động lực để tỉnh Nghệ An thay đổi năng động, nâng cao năng lực điều hành, quản lý và thực hiện tốt hơn việc phục vụ doanh nghiệp và người dân vì sự phát triển chung của tỉnh. Chính quyền các cấp, các Sở, ngành đều phải có trách nhiệm thực hiện mục tiêu này, do đó yêu cầu các ngành, các cấp phải xác định được trách nhiệm của mình, nhất là người đứng đầu để tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi.

 

Anh-tin-bai

Nhân dịp này, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với VCCI chi nhánh Nghệ An trong công tác triển khai đánh giá DCCI

Để đạt được mục tiêu cải thiện chỉ số PCI đề ra trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức phải hiểu và phải "thuộc bài" về PCI, từ đó lan tỏa đến doanh nghiệp, người dân.

Tập trung để cải thiện các chỉ số thành phần mà tỉnh đang yếu, đang giảm hoặc đang đứng ở thứ hạng thấp, gồm: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính năng động của chính quyền địa phương, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Chỉ số nào đã tốt phải tiếp tục duy trì và làm tốt hơn nữa. Yêu các sở, ngành liên quan nhiều đến các chỉ số nêu trên cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cao và duy trì thường xuyên để thay đổi lâu dài.

Cùng với việc cải thiện các chỉ số, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng số lượng TTHC giải quyết trực tuyến để hạn chế những tiêu cực như “tham nhũng vặt, chi phí không chính thức. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; có cơ chế chính sách để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp xứ Nghệ. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo phải thực sự cầu thị, phải thực sự là người kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp phương châm nhanh - đúng - hiệu quả trên tinh thần hỗ trợ - lắng nghe - thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình”.

Xây dựng mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp để doanh nghiệp chia sẻ với chính quyền những khó khăn, vướng mắc cũng như nhu cầu được hỗ trợ; tiếp nhận thông tin phản hồi từ doanh nghiệp một cách cầu thị. Các cấp chính quyền cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe vướng mắc, giải đáp kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai,... Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng cần phải có sự chủ động và lựa chọn nội dung để kiến nghị lãnh đạo chính quyền, các sở ngành tháo gỡ, hỗ trợ vì mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, biện pháp tốt nhất để cải thiện chỉ số PCI là phải thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cải thiện chỉ số PCI hàng quý, 6 tháng. “Chúng ta không phải áp lực cải thiện thật nhanh mà phải cải thiện một cách thực chất. Cùng với đó, phải thực hiện và công bố được chỉ số DDCI để nhìn nhận khách quan, định lượng những điểm yếu cần khắc phục trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương”- Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Kết thúc của hội thảo hôm nay chính là mở đầu giai đoạn mới để tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn nội dung, cam kết của chính quyền tỉnh, các cấp, các ngành trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Việc cải thiện và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh có thành công hay không có trách nhiệm của tất cả các ngành, địa phương, của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành và mong muốn tất cả cùng nỗ lực đạt mục tiêu chung.

Nguồn: Phan Quỳnh (nghean.gov.vn)



Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết liên quan
Đường dây nóng
Văn bản
Cấp LLTP trên VNied
Tra cứu hồ sơ
Đánh giá hài lòng
Cổng dịch vụ công quốc qia
Góp ý dự thảo văn bản
Chuyên trang cải cách hành chính
Thăm dò ý kiến

Thông tin trên trang này có hữu ích không?

Thống kê
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay7,340
  • Tháng hiện tại55,443
  • Tổng lượt truy cập5,511,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây