Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 07/6

Thứ hai - 07/06/2021 00:08 671 0

(Chinhphu.vn) -  Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 07/6.

Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2021.

Về vay, trả nợ của Chính phủ: Tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2021-2023 là khoảng 1.738,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách Trung ương khoảng 1.604,0 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 134,4 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ động kỳ hạn phát hành, gắn công tác phát hành với tái cơ cấu danh mục nợ và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.

Về bảo lãnh Chính phủ, đối với 2 ngân hàng chính sách, khống chế mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.

Hạn chế cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước cũng như vay nước ngoài; hạn mức bảo lãnh vay trong nước, nước ngoài hằng năm bảo đảm tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước.

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương: Khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương khoảng 0,2% GDP hằng năm. Nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 18,4 nghìn tỷ đồng.

Về hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả: Kiểm soát tốc tăng dư nợ ngắn hạn tối đa 18-20%/năm; hạn mức vay ròng trung, dài hạn hàng năm tối đa khoảng 6.350-7.000 triệu USD, bảo đảm chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.

Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021

Cụ thể, vay của Chính phủ 624.221 tỷ đồng gồm: Vay trong nước 527.357 tỷ đồng và vay nước ngoài 96.864 tỷ đồng. Trong đó, vay cho cân đối ngân sách trung ương 579.772 tỷ đồng (vay để bù đắp bội chi 318.870 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc 260.902 tỷ đồng) và vay về cho vay lại 44.449 tỷ đồng.

Trả nợ của Chính phủ 394.506 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ 366.224 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 28.282 tỷ đồng.

Về vay được Chính phủ bảo lãnh: Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với 2 ngân hàng chính sách sẽ  được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành của 2 ngân hàng chính sách theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Rút vốn vay trong nước và nước ngoài của các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm.

Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương năm 2021: Vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác với số tiền khoảng 28.797 tỷ đồng. Trả nợ của chính quyền địa phương 6.662 tỷ đồng (gồm chi trả gốc 3.997 tỷ đồng và chi trả lãi 2.665 tỷ đồng).

Vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh: Hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 6.350 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 18%-20% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2020.

Bốn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thôi giữ chức vụ từ 1/6

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký các quyết định thôi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 1/6/2021 với 5 Thượng tướng Quân đội.

Cụ thể, tại các Quyết định 836/QĐ-TTg837/QĐ-TTg838/QĐ-TTg839/QĐ-TTg, Thượng tướng Lê Chiêm, Thượng tướng Trần Đơn, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Bế Xuân Trường thôi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kể từ 1/6/2021. Bốn Thượng tướng đều là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.

Tại Quyết định 835/QĐ-TTg, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, thôi giữ chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 1/6/2021.

Ba Thượng tướng thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an

Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định thôi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an đối với 3 đồng chí.

Cụ thể, tại Quyết định 832/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, thôi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an từ ngày 1/6/2021.

Tại Quyết định 833/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, thôi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an từ ngày 1/6/2021.

Tại Quyết định 834/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, thôi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an từ ngày 1/6/2021.

Bổ nhiệm Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ

Tại Quyết định 859/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Trí Dũng, Trợ lý đồng chí Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, giữ chức vụ Trợ lý đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ gạo cho tỉnh Quảng Trị thời gian giáp hạt

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 819,15 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2021.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

UBND tỉnh Quảng Trị tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19; triển khai robot trợ giúp tầm soát, sàng lọc

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương trong quá trình thực hiện xét nghiệm diện rộng cần thí điểm việc tự lấy mẫu trong khu công nghiệp; thực hiện nghiêm việc khử khuẩn tay sau mỗi lần lấy mẫu, tuyệt đối không để lây chéo từ khâu này.

Chỉ đạo trên được nêu trong Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang và thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư tại Điện ngày 27 tháng 4 năm 2021, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại các Công điện, Thông báo kết luận và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan. Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm nguyên tắc "3 không" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Bắc Ninh làm rõ nguyên nhân dịch bệnh lây nhiễm nhiều ngày trong khu vực đã được phong tỏa ở huyện Thuận Thành, có giải pháp quyết liệt để xử lý tình hình.

UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo tiếp tục giảm mật độ, số lượng người lao động đang bị cách ly tại một số điểm còn mật độ cao, xem xét phương án giải phóng triệt để đối với thôn Núi Hiểu, khử khuẩn làm sạch môi trường và đưa trở lại những lao động không còn nguy cơ nhiễm.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc những khu vực có nguy cơ, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công nhân trong các khu công nghiệp. Hướng dẫn thí  điểm để công nhân trong khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm, đề phòng tình huống xấu, lực lượng lấy mẫu quá tải khi dịch bệnh bùng phát trong khu công nghiệp.

Triển khai robot gọi điện 

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Tổ thông tin của Ban Chỉ  đạo Quốc gia và các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo các địa phương triển khai sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân khai báo y tế đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân. Triển khai tổng đài gọi điện tự động (Robot) để tăng cường nắm bắt các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ giúp công tác xét nghiệm sàng lọc nhanh, hiệu quả hơn.

Bộ Y tế khẩn trương rà soát lại hướng dẫn xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã tiêm vaccine, xét nghiệm có kháng thể,… để rút ngắn thời gian cách ly tập trung.

Khẩn trương triển khai phương án chủ động mua sắm sinh phẩm xét nghiệm không để thiếu sinh phẩm trong trường hợp dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương cần số lượng lớn, đồng thời tiết kiệm ngân sách nhà nước thông qua mua sắm tập trung; có hướng dẫn ưu tiên đối với nhóm khai báo y tế bắt buộc (những người tiếp xúc nhiều người như ngân hàng, dịch vụ hàng không, làm việc trong môi trường kín,…) làm cơ sở ưu tiên tiêm vaccine.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nêu một số nhóm nhiệm vụ khoa học để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ xét nghiệm.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Tổ phân tích thông tin của Ban chỉ đạo Quốc gia phối hợp, quy tụ các doanh nghiệp, nhóm chuyên gia khẩn trương hoàn thiện các ứng dụng, phần mềm, giải pháp công nghệ để trợ giúp có hiệu quả nhiệm vụ khai báo y tế, quản lý người cách ly, truy vết, quản lý người ra vào bệnh viện, xét nghiệm, quản lý người tiêm vaccine,…; hoàn thiện công cụ bản đồ an toàn COVID để các địa phương, doanh nghiệp, người dân tra cứu, tham gia cập nhật thuận lợi.

Bộ Y tế rà soát lại các chỉ đạo về việc cài đặt, sử dụng các phần mềm phục vụ chống dịch đảm bảo đúng pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân.

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc mua vaccine phòng COVID-19 trong trường hợp đặc biệt

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 151/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc "Mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam" trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu.

Ngày 4/6/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp về việc "Mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC)” trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:

Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến chính thức về nội dung báo cáo và đề xuất của Bộ Y tế tại văn bản số 784/TTr-BYT ngày 30/5/2021 và gửi đến Bộ Y tế trong ngày 7/6/2021.

Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ  ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp và các thành viên Tổ công tác về mua vaccine phòng COVID-19 để:

- Hoàn thiện hồ sơ trình (bổ sung đầy đủ các văn bản có liên quan, trong đó có các văn bản đã ký với AZ và VNVC).

- Hoàn thiện tờ trình, dự thảo văn bản kèm theo, trong đó lưu ý bổ sung thông tin, dự kiến các nguồn vaccine, số lượng vaccine có thể được tài trợ, viện trợ, mua được trong giai đoạn từ nay đến ngày 31/12/2021; căn cứ tình hình tổng thể đó, đề xuất số lượng cần mua cho hiệu quả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 9/6/2021./.

Nguồn: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Tra cứu hồ sơ
Đánh giá hài lòng
Cổng dịch vụ công quốc qia
Góp ý dự thảo văn bản
Chuyên trang cải cách hành chính
Thăm dò ý kiến

Thông tin trên trang này có hữu ích không?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay8,104
  • Tháng hiện tại100,791
  • Tổng lượt truy cập4,762,131
VỊ TRÍ TRUNG TÂM
Quét để quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây