Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/11

Thứ ba - 23/11/2021 04:14 586 0
(Chinhphu.vn)- Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/11.

Lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo đó, thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng làm Tổ trưởng, cụ thể:

Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Trường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc; các địa phương: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ.

Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; các địa phương: Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An.

Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Tổ công tác số 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học quốc gia Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viên Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam; các địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau.

Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Thành phần tham gia các Tổ công tác của lãnh đạo Chính phủ gồm lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan liên quan. Thành phần cụ thể từng Tổ công tác do Tổ trưởng quyết định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo bằng văn bản trước khi Tổ công tác làm việc.

Đối tượng và phạm vi, thời gian kiểm tra, đôn đốc: Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; các dự án đang triển khai thực hiện trong năm 2021 và một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm năm 2022.

Thời gian kiểm tra: Từ ngày 22/11/2021 đến hết ngày 10/12/2021.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.

Đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, số 45/NQ-CP ngày 5/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể (nếu có), gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Thường trực các Tổ công tác do lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, có trách nhiệm giúp Tổ trưởng xây dựng báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất kiến nghị của Tổ công tác.

Quyết định cũng nêu rõ Tổ công tác có quyền hạn yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu, cử cán bộ phối hợp thực hiện và giải quyết vướng mắc của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đó.


Phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành công thương.

Đề án phấn đấu đến năm 2025 xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Đề án phấn đấu 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp và 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Đồng thời, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đề án triển khai xây dựng và phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số gồm:

- Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại bao gồm mạng lưới xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; doanh nghiệp xúc tiến thương mại; ngành hàng, thị trường và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.

- Nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế.

- Nền tảng hội chợ, triển lãm nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số.

- Đào tạo trực tuyến (E-learning) tích hợp các kho học liệu, thư viện điện tử, hỗ trợ tra cứu thông tin, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại.

- Nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại.

- Các nền tảng chuyên ngành khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.

Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số phải được xây dựng theo kiến trúc tổng thể, thống nhất, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; bảo đảm khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Đồng thời, xây dựng, phát triển, thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; nhân rộng các mô hình thành công.

Huyện Thanh Hà (Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 1961/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 công nhận huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Thanh Hà tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông.

Để phát huy hiệu quả, lợi ích thiết thực trong việc sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, tại văn bản số 8544/VPCP-CN ngày 22/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần ưu tiên giải quyết.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo Nhà đầu tư các dự án BOT, các Nhà cung cấp dịch vụ thu phí khẩn trương lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng đối với các làn thu phí còn lại, bảo đảm tại mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp theo đúng quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong Quý I năm 2022; khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí; chỉ đạo các Nhà cung cấp dịch vụ thu phí tiếp tục cải thiện, đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền để thuận tiện cho người sử dụng, bảo đảm đến tháng 6 năm 2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, hoàn thành trong Quý I năm 2022.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (chỉ phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng); lưu ý tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông tối thiểu 3 tháng trước khi thực hiện; tổ chức phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như lợi ích hợp pháp của các Nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với các Nhà đầu tư BOT, Nhà cung cấp dịch vụ thu phí tăng cường công tác điều tiết giao thông; xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí điện tử không dừng gây cản trở giao thông.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng

Trong Thông báo số 316/TB-VPCP ngày 22/11/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định: Từ đầu năm đến nay, thành phố Hải Phòng đã tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tuy khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn đạt mức cao so với bình quân chung cả nước: Tăng trưởng kinh tế 9 tháng tăng 12,28%, gấp 8,65 lần cả nước (1,42%), dẫn đầu các địa phương trong cả nước. 10 tháng đầu năm 2021, Hải Phòng là địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19,22%, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt hơn 73.000 tỷ đồng, tăng hơn 17%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 18 tỷ USD, tăng hơn 25%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt hơn 119 triệu tấn, tăng 7%... Những năm gần đây, Hải Phòng đều đứng trong tốp đầu cả nước về chỉ số PCI. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung tăng cường đầu tư, đã khởi công nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Bên cạnh cơ hội, thuận lợi, vị trí và tiềm năng, Hải Phòng còn một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện tổ chức thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị: Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để duy trì nhịp độ tăng trưởng cao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt khoảng 118.000 tỷ đồng, mới đạt 58,25% kế hoạch năm (204.000 tỷ đồng), đây là thách thức rất lớn để thành phố Hải Phòng đạt mục tiêu hơn 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trong giai đoạn 5 năm tới.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu thành phố Hải Phòng cần bám sát và tổ chức triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Về công nghiệp: Tập trung mở rộng các khu, cụm công nghiệp, tăng cường quản lý khu công nghiệp, khắc phục các vi phạm trật tự xây dựng. Các khu công nghiệp đạt tiêu chí văn minh, hiện đại, thu hút công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao. 

Về du lịch: Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, khu vực và quốc tế, trong đó, xây dựng phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế; đầu tư nâng cấp dự án Kinh doanh du lịch quốc tế Hải Phòng (gắn với việc kinh doanh Casino) tại khu III quận Đồ Sơn với quy mô trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm 5 sao; chú trọng phát triển du lịch sinh thái. 

Về cảng biển: Đẩy mạnh rà soát quy hoạch, thực hiện di dời, sắp xếp lại các bến cảng cũ, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực để đẩy nhanh đầu tư mới các khu, cụm cảng, bến cảng, đặc biệt là cảng tổng hợp quốc tế Nam Đồ Sơn theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. 

Về phát triển hạ tầng giao thông và mở rộng không gian đô thị: Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng đang triển khai như cầu Bến Rừng, cầu Nguyễn Trãi, cầu Lại Xuân, mở rộng Quốc lộ 10, Quốc lộ 37, đường vành đai 2 Thành phố. Nghiên cứu triển khai tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình (đoạn qua thành phố Hải Phòng); khẩn trương khởi công Nhà ga hành khách số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. 

Về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch: Thành phố cần khẩn trương xây dựng Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021, bảo đảm hoàn thành trong năm 2022.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương triển khai các thủ tục để khởi công Nhà ga hành khách số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trong quý I/2022. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (trong đó bổ sung quy hoạch đường cất hạ cánh số 2)./.

Nguồn: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Tra cứu hồ sơ
Đánh giá hài lòng
Cổng dịch vụ công quốc qia
Góp ý dự thảo văn bản
Chuyên trang cải cách hành chính
Thăm dò ý kiến

Thông tin trên trang này có hữu ích không?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay8,104
  • Tháng hiện tại99,007
  • Tổng lượt truy cập4,760,347
VỊ TRÍ TRUNG TÂM
Quét để quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây