Sáng 31/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Đồng chí Nguyễn Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Thiết lập nền tảng hạ tầng số với cơ sở dữ liệu địa chính của hơn 42 triệu thửa đất
Năm 2021, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội; nút thắt về quỹ đất đai được giải quyết; vướng mắc về nguyên liệu khoáng sản cho sản xuất từng bước được tháo gỡ; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các dự án hạ tầng quan trọng, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng; bảo vệ nguồn nước, phòng chống hạn hán. Nguồn thu ngân sách từ đất đai đạt gần 15,2% ngân sách nội địa; nguồn thu từ khoáng sản đạt 4.589 tỷ đồng; thu từ tài nguyên nước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng.
Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy với 95% số thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn; 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính, giúp cắt giảm thời gian chi phí tuân thủ thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Tiềm năng lợi thế của các vùng biển, các địa phương có biển được phát huy đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài; tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình hành chuỗi đô thị ven biển.
Ngành đã thiết lập các nền tảng hạ tầng số cho xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường với cơ sở dữ liệu địa chính của 216 đơn vị cấp huyện, dữ liệu của hơn 42 triệu thửa đất; dữ liệu siêu viễn thám, dữ liệu thông tin địa lý... Đồng thời, ngành cũng đã xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, hoàn thành các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Thực tế, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về quản lý tài nguyên với các pháp luật khác; một số quy định chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn, chưa đủ rõ gây khó khăn cho tổ chức thực hiện ở địa phương và làm giảm hiệu lực, hiệu quả quy định của pháp luật. Tình trạng lãng phí tài nguyên như: Đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa; đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tài nguyên khoáng sản còn bị khai thác trái phép, chưa được chế biến sâu để mang lại hiệu quả kinh tế cao; tài nguyên nước còn sử dụng lãng phí, hiệu quả sử dụng tài nguyên nước còn thấp so với các nước trong khu vực nhất là trong nông nghiệp.
Rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã điểm qua những kết quả quan trọng của đất nước đạt được trong năm 2021; khẳng định, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành TN&MT đã đóng góp trong kết quả chung của đất nước giành được trong một năm đầy khó khăn, nhiều thách thức. Nổi bật, là ngành TN&MT đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đáp ứng yêu cầu đảm bảo quỹ đất cho thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh và bền vững; phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển, bảo vệ các hệ sinh thái, an ninh lương thực; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, khai hoang, lấn biển.
Đồng tình với những hạn chế, tồn tại được chỉ ra tại hội nghị, trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành lưu ý cần tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại, vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và thủ tục hành chính...
Năm 2022 là năm phải thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Chính phủ đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu và chỉ tiêu rất cao. Cơ bản đồng tình với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của ngành TN&MT đã đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo cụ thể để Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách về đất đai trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ; đồng thời chuẩn bị xây dựng đề án về sửa đổi Luật Đất đai để trình Bộ Chính trị vào năm 2022 thật thận trọng, kỹ lưỡng để tháo gỡ điểm nghẽn về quản lý đất đai; tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 thật tốt sau khi được Quốc hội thông qua và được Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ tình trạng các dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều; vì vậy, phải rà soát kỹ, phân nhóm các dự án. Những dự án vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng các dự án với hàng nghìn, hàng chục nghìn hec ta không sử dụng được gây lãng phí rất lớn.
Từ bài học triển khai dự án phía Đông đường cao tốc Bắc - Nam gặp khó khăn về việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá trữ lượng khoáng sản nhất là khoáng sản chiến lược trên biển và trên đất liền.
Ngành TN&MT cần tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo phát triển bền vững; gắn với quyết tâm thực hiện tốt cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP26; chú trọng nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; quan tâm đầu tư về con người và cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước. Đồng thời tiếp tục tập trung cao cho công tác xây dựng thể chế, nhất là đối với những thể chế còn bất cập; đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, nhưng phải đảm bảo phân cấp để khơi dậy tiềm năng phát triển.
Với bề dày của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ tin tưởng toàn ngành sẽ vượt qua khó khăn, nỗ lực hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ năm 2022.
Nguồn: Phan Quỳnh (nghean.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc