Công nhân chế biến cá hộp ở KCN Nam Cấm. Ảnh Thu Huyền
Sáng 10/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển toàn quốc về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì tại đầu cầu Nghệ An.
Giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Cục Thủy sản cho biết, tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 đạt 3,85 triệu tấn; 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng đạt 857,4 nghìn tấn; trong đó, khai thác biển đạt 817,5 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ; khai thác nội địa đạt 39,9 nghìn tấn (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020).
Năm 2020, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,05% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2020 cả nước đạt 3,435 tỷ USD, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, một số mặt hàng giá trị xuất khẩu tăng mạnh như: tôm, cá biển, cua, ghẹ, mực...
Tính riêng giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,68 tỷ USD, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm 2020. Cả nước có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Các sản phẩm chế biến thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 176 thị trường trên thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19, logistic không thuận lợi, giá cước vận tải tăng; ứng dụng công nghệ vào khai thác và bảo quản sau thu hoạch còn chậm, gỡ thẻ vàng EU khó khăn là những trở ngại ảnh hưởng đến ngành thủy sản. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như tình hình xuất khẩu đạt kết quả khả quan. Từ nay đến năm 2030, mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và phải thúc đẩy phát triển thủy sản thì mới đạt được chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp.Thủy sản là lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển, do đó, thời gian tới, cần triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật và các khuyến nghị của EC. Tiếp tục điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Nghệ An đứng thứ 5 cả nước về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư
Nghệ An là tỉnh có bờ biển dài 82 km, với 6 cửa lạch trải dài từ Bắc xuống Nam, là tỉnh có nghề cá phát triển nhanh ở khu vực Bắc Trung Bộ trở ra. Ngư trường rộng lớn, diện tích vùng biển lên đến 4.230 hải lý vuông, nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú. Hiện tại toàn tỉnh có 3.448 tàu cá, tổng công suất tàu cá toàn tỉnh là 699.032 CV, công suất bình quân đạt 191.19 CV/tàu, số tàu khai thác vùng khơi là 1.215 chiếc, chiếm 35.24%, công suất bình quân là 473,25 CV/tàu.
Ngành chế biến của tỉnh Nghệ An bao gồm các ngành chế biến đông lạnh, chế biến bột cá, sản xuất nước mắm, sản xuất cá hộp và chế biến hành khô.
Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 233 tấn, tăng 4,02% so với năm 2019, trong đó khai thác hải sản biển 179 nghìn tấn, tăng 6,09%; tổng giá trị ước đạt 3.427,998 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 75.564 tấn, tăng 9,39% so với năm 2020, giá trị ước đạt 1.507,113 tỷ đồng.Tỉnh đã xây dựng 14 khu chế biến thủy sản tập trung với tổng diện tích 78,83 ha, tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn hoạt động ổn định. Sản phẩm hải sản khai thác, chế biến chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước và một số thị trường nước khác như Trung Quốc, Lào. Trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường trong nước có xu hướng giảm, giá cả không ổn định nên có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các đội tàu.
Để thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư kinh phí xây dựng kè chắn sóng, chắn cát tại 4 cửa lạch (lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thơi và lạch Vạn), nạo vét luồng lạch đảm bảo cho tàu thuyền chủ động ra, vào thuận lợi; Xây dựng bổ sung và mở rộng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đảm bảo an toàn cho người và tàu khi có thiên tai, bão lũ. Có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Công ty Bảo hiểm PJICO tiếp tục bán bảo hiểm cho tàu cá; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với tàu vay vốn đóng theo Nghị định số 67…
Nguồn: Thu Huyền(baonghean.vn)
Ý kiến bạn đọc