Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy
Sáng 11/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai rà soát thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ và xây dựng hệ thống thông tin báo cáo. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến đầu cầu các Bộ, ngành và địa phương ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).
Cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành để không "tụt hậu"
Được sự uỷ quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết, hội nghị nhằm tập huấn cho cán bộ thuộc các Bộ, ngành, địa phương về triển khai kế hoạch rà soát, đánh giá, cắt giảm TTHC trong các cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2022-2025.
Đồng thời, hội nghị nhằm thúc đẩy xây dựng hệ thống báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị trình bày nội dung, cách thức thống kê, rà soát, đánh giá cắt giảm TTHC; trình bày những nội dung các nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương đã làm được trong thời gian qua trong triển khai Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.
Theo ông Ngô Hải Phan, Nghị định 09/2019/NĐ-CP là bước đi đột phá của Chính phủ khi thay vì báo cáo giấy thì thực hiện báo cáo điện tử, trên cơ sở các dữ liệu để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Cũng theo ông Ngô Hải Phan, thời gian qua, nhiều Bộ, địa phương tích cực triển khai Nghị định 09, tuy nhiên còn nhiều nơi triển khai còn hạn chế. Vì vậy, hội nghị sẽ nêu rõ công việc các Bộ, địa phương phải thực hiện, nêu yêu cầu về tiến độ và các bảng biểu phục vụ hiện đại hoá báo cáo của các cơ quan hành chính.
Tại hội nghị, ông Ngô Hải Phan trao đổi về tổng quan công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá chế độ báo cáo phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo yêu cầu mới của Chính phủ theo Nghị quyết số 131/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6/10/2022 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục từ phía các cơ quan hành chính Nhà nước; thường xuyên cắt giảm rào cản trong hoạt động hành chính, rào cản trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, cùng với xu thế chuyển đổi số thì phải đưa những TTHC lên môi trường điện tử qua việc thúc đẩy triển khai Nghị định 168 của Chính phủ về đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ nêu rõ quan điểm: Cần có tư duy, cách tiếp cận mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính; kế thừa, phát huy kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nỗ lực đột phá vượt lên. Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì sẽ "tụt hậu".
Theo ông Ngô Hải Phan, mỗi một điểm Một cửa ở chính quyền các cấp từ các Bộ, ngành đến cấp xã phải trở thành trung tâm chuyển đổi số để hỗ trợ người dân trong việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng, cũng như việc số hoá giấy tờ, hồ sơ mà người dân chưa có trong hệ thống thông tin của các cơ quan hành chính. Theo ông Ngô Hải Phan, mhúng ta ban hành dịch vụ công cấp độ 3, 4 nhưng khả năng của người sử dụng còn có mức độ, vì vậy bộ phận Một cửa phải đổi mới khi đưa tất cả TTHC lên môi trường mạng.
Hội nghị triển khai rà soát thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ và xây dựng hệ thống thông tin báo cáo - Ảnh: VGP/Gia Huy
Nêu kết quả cải cách TTHC, cắt giảm quy định kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ 2020 đến nay, ông Ngô Hải Phan cho biết: Đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định, kinh doanh (sửa đổi, bổ sung 190 văn bản quy phạm pháp luật); có phương án phân cấp giải quyết 699/5.187 TTHC/100 lĩnh vực, đạt tỷ lệ 13,47% (sửa đổi, bổ sung 232 văn bản quy phạm pháp luật); ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước.
Ngoài ra, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã đưa vào vận hành, đến nay đã cập nhật 17.687 quy định và phương án, đơn giản hóa 1.029 quy định.
Cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Triển khai Bộ nhận diện thương hiệu Bộ phận Một cửa các cấp với khẩu hiệu "Hành chính phục vụ" trên phạm vi toàn quốc.
Đến nay, 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử; 70% lãnh đạo các cấp sử dụng chữ ký số; hơn 14,2 triệu VBĐT gửi, nhận quá Trục liên thông văn bản quốc gia (trung bình 550.000 VBĐT/tháng); 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính; 45 bộ, cơ quan, địa phương đã triển khai phân hệ theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao.
Về Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, đã có 69/165 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Một số Bộ, địa phương triển khai 100% chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, địa phương.
Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã có 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty và 63 địa phương đã kết nối, tích hợp cung cấp dữ liệu với 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến. Hình thành 04 Bộ chỉ số điều hành; thống kê; theo dõi, giám sát; kinh tế-xã hội địa phương.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 131/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6/10/2022 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, chuẩn hóa các chế độ báo cáo/chỉ tiêu, dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Với các địa phương, cần rà soát, chuẩn hóa các chế độ báo cáo/chỉ tiêu, dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Các Bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các chế độ báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo của VPCP cũng như Hệ thống thông tin báo cáo của các Bộ, cơ quan Trung ương; cung cấp đầy đủ, kịp thời các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trên Hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: vpcp.chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc