Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đã chia sẻ về những vấn đề liên quan.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, nghị định số 62/2024/NĐ-CP ngày 7/6/2024 của Chính phủ quy định thay đổi thời gian phổ biến một số thông tin thống kê quan trọng của cơ quan thống kê Trung ương.
Số liệu chính thức Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Ngày 6 của tháng kế tiếp sau tháng báo cáo;
Số liệu ước tính tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: Ngày 6 của tháng kế tiếp sau quý báo cáo;
Số liệu sơ bộ tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: Ngày 6 của tháng đầu tiên của quý thứ hai sau quý báo cáo;
Số liệu ước tính tỷ lệ thất nghiệp: Ngày 6 của tháng kế tiếp sau quý báo cáo;
Số liệu sơ bộ tỉ lệ thất nghiệp: Ngày 6 của tháng đầu tiên của quý thứ hai sau quý báo cáo.
Nếu các mốc thời gian phổ biến nêu trên trùng vào các ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước, thời hạn phổ biến sẽ chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.
Ví dụ, số liệu GDP sơ bộ cả năm được công bố ngày 6 tháng 10 năm kế tiếp sau năm báo cáo. Số liệu GDP chính thức cả năm và theo quý của năm báo cáo được công bố ngày 6 tháng 10 năm thứ hai kế tiếp sau năm báo cáo.
Còn số liệu GRDP sơ bộ cả năm được công bố vào ngày 01 tháng 10 năm kế tiếp sau năm báo cáo. Số liệu GRDP chính thức cả năm và theo quý của năm báo cáo công bố ngày 01 tháng 10 năm thứ hai kế tiếp sau năm báo cáo.
Chia sẻ về việc Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ thay đổi thời gian phổ biến thông tin thống kê này, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, để có số liệu thống kê công bố đến người dùng tin, Tổng cục Thống kê thực hiện quy trình nhiều bước từ xác định nhu cầu thông tin; chuẩn bị, thu thập thông tin đến xử lý thông tin; phân tích và dự báo; phổ biến thông tin thống kê; sau cùng là tư liệu hóa và đánh giá chất lượng thông tin.
Hãy hình dung, để công bố một chỉ tiêu thống kê, thường thông tin thống kê không có sẵn để chiết xuất mà phải thu thập từ nhiều nguồn: Dữ liệu hành chính, báo cáo thống kê, điều tra thống kê,... Các nguồn tin này đều bắt đầu được thu thập từ cơ sở và gửi đến các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại thống kê địa phương, số liệu này được kiểm tra, tổng hợp sau đó gửi lên các đơn vị nghiệp vụ chuyên ngành thuộc Tổng cục Thống kê.
Tại đây, các số liệu cũng trải qua quá trình được các chuyên gia thống kê tổng hợp, xác minh, phân tích từ Vụ chuyên ngành đến Vụ tổng hợp chung. Qua mỗi công đoạn đều cần thời gian xử lý, ít nhất từ 1-2 ngày. Đó là chưa kể phải xử lý dữ liệu chiết xuất từ dữ liệu hành chính hay số liệu từ chế độ báo cáo của các bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty,...
Trong khi đó, theo lịch phổ biến thông tin thống kê trước đây, Tổng cục Thống kê phải công bố báo cáo kinh tế-xã hội tháng vào ngày 29 hằng tháng, điều đó có nghĩa số liệu thống kê thu thập để xử lý không phải là số trọn vẹn của tháng.
Và hiện nay, ngay cả khi Nghị định số 62/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 tới đây thay đổi thời gian phổ biến một số thông tin thống kê quan trọng, theo đó các số liệu thống kê được công bố vào ngày 6 của tháng kế tiếp sau tháng báo cáo, có nghĩa là lùi thời gian công bố chậm hơn so với hiện nay là 6-7 ngày thì Việt Nam vẫn là một trong những nước công bố số liệu sớm nhất trên thế giới.
Tôi có thể dẫn ra đây một vài ví dụ các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, có hệ thống thông tin thống kê hiện đại, có hệ thống pháp luật chặt chẽ và người dân, tổ chức chấp hành nghiêm pháp luật thống kê nhưng thời gian công bố thông tin thống kê trễ hơn ta nhiều.
Ví dụ, lịch công bố chỉ tiêu GDP quý I năm 2023 của Canada, Pháp, Hàn Quốc sau 2 tháng; của Mỹ, Đức, Singapore sau hơn 1,5 tháng; của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan sau 1,5 tháng,... tương tự, lịch công bố chỉ tiêu Chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của Mỹ, Pháp sau nửa tháng; của Canada, Nhật, Malaysia sau gần 1 tháng; của Australia sau 1 tháng,...
Trả lời cho câu hỏi về việc vì sao Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ thay đổi thời gian phổ biến thông tin thống kê, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh một số nội dung, đó là:
Thứ nhất, thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, số liệu thống kê phải thống nhất giữa các cơ quan, địa phương và phản ánh tình hình kinh tế-xã hội trọn tháng, quý, năm báo cáo (hay nói cách khác, việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phải phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng).
Thứ hai, xuất phát từ thực trạng công tác thống kê hiện nay-quy trình thu thập, tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện sớm để cơ quan thống kê có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương dẫn đến những hạn chế, bất cập sau:
- Thông tin thu thập phản ánh không đầy đủ, đúng thực tế hoạt động của các đơn vị theo tháng hành chính, không phản ánh đúng thuật ngữ số liệu trong tháng, trong quý; số liệu có sự gối đầu từ tháng trước sang tháng sau, quý trước sang quý sau,…
- Với quy định công bố vào ngày 29 hằng tháng dẫn đến xung đột, dễ gây hiểu nhầm cho người sử dụng thông tin thống kê đối với một số chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp do Tổng cục Thống kê công bố và do bộ, ngành có liên quan công bố vì thời điểm công bố, thời kỳ số liệu khác nhau.
Ví dụ như Bộ Tài chính gửi thông tin số liệu ước tính thu, chi ngân sách cho Tổng cục Thống kê phục vụ biên soạn GDP vào ngày 15 tháng cuối quý, trong khi số liệu báo cáo của Bộ Tài chính tính đến ngày 28 hằng tháng.
- Thời gian kiểm tra, rà soát, tính toán, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu tổng hợp ngắn, gấp đặc biệt là thông tin, dữ liệu hành chính tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; thời gian thu thập thông tin tại địa bàn ngắn và có nhiều cuộc điều tra cùng diễn ra nên tạo áp lực lớn đối với cơ quan thống kê.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, đồng thời bảo đảm cho việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng, cần thiết phải thay đổi lịch công bố, phổ biến thông tin thống kê.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, quý II và 6 tháng, quý III và 9 tháng, quý IV và cả năm vào "ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo" là cơ sở bảo đảm cho việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng.
Những thông tin thống kê này phục vụ chính xác, kịp thời các cơ quan Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành.
Dưới góc độ nghiệp vụ thống kê, việc quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, quý II và 6 tháng, quý III và 9 tháng, quý IV và cả năm là "ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo" có một số ưu điểm sau:
Một là, thông tin, số liệu thu thập từ đối tượng cung cấp thông tin phản ánh đầy đủ diễn biến sản xuất kinh doanh của một kỳ báo cáo (tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm) góp phần tăng tính chính xác của số liệu, phản ánh sát hơn tình hình thực tế.
Hai là, nguồn thông tin phục vụ biên soạn một số chỉ tiêu tổng hợp như GDP, GRDP được cập nhật, đầy đủ hơn.
Ba là, ngành thống kê có đủ thời gian để kiểm tra, tổng hợp dữ liệu, biên soạn các báo cáo chuyên ngành giúp nâng cao chất lượng báo cáo.
Bốn là, số liệu tổng hợp có độ tin cậy cao hơn, phản ánh sát hơn với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội cả nước.
Ngoài ra, quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, quý II và 6 tháng, quý III và 9 tháng, quý IV và cả năm là "ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo" còn là cơ sở để thống nhất thông tin, số liệu trong công bố, phổ biến một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và bộ, ngành biên soạn, công bố, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến thu, chi ngân sách, xuất nhập khẩu hàng hóa,…
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, việc thay đổi lịch phổ biến một số thông tin thống kê theo quy định tại Nghị định số 62/2024/NĐ-CP là theo xu hướng của thế giới và đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của Chính quyền các cấp.
Thay đổi thời gian phổ biến một số thông tin thống kê quan trọng của cơ quan thống kê trung ương không chỉ tác động đối với ngành thống kê mà còn liên quan đến việc điều chỉnh thời gian tổ chức các kỳ họp điều hành của Chính phủ, UBND, HĐND các cấp.
Riêng đối với Tổng cục Thống kê, thời gian phổ biến một số thông tin thống kê theo Nghị định số 62/2024/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành không chỉ tác động đến thời gian công bố số liệu thống kê mà còn tác động đến cả quá trình thu thập thông tin, từ khâu thu thập thông tin đến khâu xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê. Do đó, khối lượng công việc Tổng cục Thống kê sẽ triển khai là rất lớn.
Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang tích cực rà soát nội dung các công việc cần thực hiện và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Nghị định số 62/2024/NĐ-CP, như: Ban hành lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2024 sửa đổi; sửa đổi chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia, chương trình điều tra thống kê quốc gia; thay đổi thời gian nộp, nhận các báo cáo thống kê trong toàn Ngành trên hệ thống phần mềm,... để thực hiện lịch phổ biến thông tin thống kê điều chỉnh mới bắt đầu từ tháng 8 năm 2024 tới đây.
Luật Thống kê năm 2015 và Luật Thống kê sửa đổi năm 2021 là những văn bản pháp lý quan trọng để ngành thống kê thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm thông tin thống kê. Thông tin cung cấp từ doanh nghiệp và người dân là một trong những yếu tố đầu vào quyết định chất lượng thông tin thống kê của cơ quan thống kê.
Trong thời gian qua, cùng với việc liên tục hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, tổng hợp, phân tích và phổ biến thông tin thống kê, cơ quan thống kê ở trung ương và địa phương luôn nhận được sự phối hợp, hợp tác tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cung cấp thông tin thống kê, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Chính phủ, của lãnh đạo bộ, ngành và nhu cầu của người dùng tin.
Tổng cục Thống kê mong muốn các doanh nghiệp và người dân tiếp tục tích cực cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, trung thực cho cơ quan thống kê trong thời gian tới để ngành thống kê khắc họa rõ nét hơn những mảng sáng tối trong bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội cả nước một cách khách quan, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng.
Tác giả: Dung Nguyen Trong
Ý kiến bạn đọc