Theo đó, để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm về lĩnh vực thông tin và truyền thông trong tháng 6/2023, tại Công văn số 4324/VPCP-KSTT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06). Đồng thời, tháo gỡ các điểm nghẽn triển khai Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023.
Các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả bảo đảm khắc phục tình trạng “cát cứ thông tin”, “co cụm dữ liệu”. Chỉ đạo tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ dịch vụ công cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm.
Tại Công văn 4334/VPCP-KSTT ngày 13/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của bộ, ngành, địa phương. Trong đó, lưu ý theo dõi, giám sát, đo lường, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo tháng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên và môi trường, cán bộ công chức, tài chính, phương tiện giao thông… theo nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các CSDL quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu giấy tờ, thời gian cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính; xây dựng và hình thành các bộ danh mục dữ liệu mở để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, chuẩn hoá chế độ báo cáo, xây dựng, phát triển Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương theo hướng tích hợp, chia sẻ, kế thừa tối đa các thông tin, dữ liệu sẵn có và kết nối tự động với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục rà soát đánh giá, tái cấu trúc toàn bộ các dịch vụ công đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ dịch vụ công cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm.
Nguồn: T.H (tổng hợp)(nghean.gov.vn)
Tác giả: Dung Nguyen Trong
Ý kiến bạn đọc