Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ.
Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng; tức tăng 35,7%.
Nghị định số 77/2024/NĐ-CP cũng quy định, kể từ ngày 1/1/2025, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng có mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/người/lần.
Nội dung chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung gồm có: tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; tham quan và các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 10% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung).
Như vậy, từ ngày 1/1/2025, mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà cho người có công bằng 0,9 lần mức chuẩn/người/lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng; tương ứng với 0,9 x 2.789.000 đồng = 2.510.100 đồng.
Mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công = 1,8 x 2.789.000 đồng = 5.020.200 đồng.
Trước đó, lý giải đề xuất thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung từ 1/1/2025, thay vì từ 1/7/2024, Bộ LĐTBXH cho biết, do quy định hiện hành danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà được lập trong quý I của năm và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở LĐTBXH quyết định thời gian điều dưỡng cụ thể.
Cùng với đó, việc triển khai chế độ điều dưỡng được thực hiện xuyên suốt trong năm nên thời điểm hưởng chế độ của các đối tượng là khác nhau.
Nếu quy định thời gian hưởng chế độ điều dưỡng từ 1/7 thì chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện theo hai mức chuẩn: 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,055 triệu đồng; 6 tháng cuối năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,789 triệu đồng.
Như vậy, số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng cuối năm 2024.
Vì vậy, để đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi thì thời điểm điều chỉnh tăng mức chi chế độ điều dưỡng phải thực hiện từ đầu năm 2025.
Theo Điều 84 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, những đối tượng được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe gồm:
+ Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945.
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
g) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
h) Bệnh binh;
i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
k) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
+ Người có công quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng:
1. Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945;
2. Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến;
+ Thân nhân liệt sĩ quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng:
Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sỹ.
Tác giả: Dung Nguyen Trong
Ý kiến bạn đọc