Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư bổ sung nội dung cơ quan đăng kiểm tự động cấp xác nhận gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, Tem kiểm định đối với phương tiện tham gia giao thông, giúp giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo nêu rõ: Đối tượng áp dụng là ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải hết hạn kiểm định trong khoảng thời gian 1 năm kể từ ngày Thông tư được ban hành sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới quy định tại Thông tư 02/2023.
Ví dụ, quy định này có hiệu lực từ tháng 6/2023 thì chỉ áp dụng cho các xe có hạn kiểm định từ tháng 6/2023 đến hết tháng 6/2024.
Như vậy, thời hạn tiếp tục sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định trong mọi trường hợp không vượt quá ngày 31/12/2024.
Đơn cử, 1 chiếc ô tô dưới 9 chỗ sản xuất 5 năm, hết hạn kiểm định chu kỳ hiện tại vào ngày 30/6/2024 (ngày cuối cùng quy định còn thời hạn hiệu lực) vẫn được tự động giãn chu kỳ kiểm định thêm 6 tháng (từ 18 tháng lên 24 tháng theo chu kỳ mới), đến hết ngày 31/12/2024 sẽ hết thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đã cấp. Lúc này, chủ xe mới phải đưa xe đi kiểm định để tiếp tục một chu kỳ kiểm định mới.
Điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện có hạn kiểm định trước ngày Thông tư có hiệu lực (dù có trường hợp vẫn chưa được kiểm định do quá tải đăng kiểm) sẽ không được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới được quy định tại Thông tư 02/2023 của Bộ GTVT và vẫn phải đến các trung tâm đăng kiểm kiểm định xe để được cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định. Theo tính toán của Cục Đăng kiểm, sẽ có hơn 155.000 phương tiện nằm trong diện này.
Điều này dựa trên cơ sở kiến nghị của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các Công ty bảo hiểm xe cơ giới và Cục CSGT do lo ngại tồn tại các trường hợp phương tiện đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, bị từ chối bồi thường hoặc đã bị cơ quan chức năng xử lý vì hết hạn kiểm định trước ngày Thông tư có hiệu lực. Những trường hợp này không thể thực hiện được vì vướng vào các quy định pháp luật khác.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, sẽ có gần 1,4 triệu ô tô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng. Đồng nghĩa với việc các đơn vị đăng kiểm có thời gian, tập trung nhân lực để kiểm định cho các xe kinh doanh vận tải và các phương tiện khác hết hạn đăng kiểm nhưng chưa được kiểm định.
Theo Thông tư 02/2023 có hiệu lực ngày 22/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định ATKT & BVMT phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các nhóm phương tiện được điều chỉnh chu kỳ kiểm định thêm 3 tháng hoặc 6 tháng so với chu kỳ kiểm định trước đây bao gồm: Ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 năm đến 20 năm); ô tô chở người trên 9 chỗ có thời gian sản xuất đến 5 năm; ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên.
Cục Đăng kiểm cho biết, nhóm phương tiện ô tô kinh doanh vận tải chở người trên 9 chỗ có thời gian sản xuất đến 5 năm, ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên có cường độ sử dụng nhiều, do nhiều người vận hành, sử dụng khác nhau nên chế độ bảo dưỡng, chăm sóc, bảo quản chưa được tốt.
Theo thống kê số liệu kiểm định, tỉ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất đối với nhóm phương tiện này rất thấp (có thời điểm chỉ đạt 67,6%).
Trong khi đó, nhóm phương tiện ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hằng tháng có số lượng lớn, chiếm khoảng từ 33-43% trên tổng số phương tiện đến hạn kiểm định, đặc biệt tại khu vực Hà Nội và TPHCM.
Đây là nhóm phương tiện sở hữu cá nhân, về cơ bản cường độ sử dụng không nhiều, phương tiện là tài sản có giá trị của người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của chủ phương tiện cùng gia đình, người thân họ. Bởi vậy, việc chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa của chủ phương tiện tốt hơn so với loại phương tiện chuyên dùng kinh doanh.
Theo thống kê, tỉ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất của nhóm phương tiện này rất cao (năm 2020 là 95,84%, năm 2021 là 96,33% và năm 2022 là 95,12%).
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế cùng các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải,… đồng thời đặt lợi ích của người dân và đất nước lên trên hết, Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT thống nhất cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023 đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định mà chủ phương tiện không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại.
Từ đó, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng kiểm tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải khác cũng như các phương tiện quá hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định để vừa giải quyết được ùn tắc vừa bảo đảm sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho xã hội.
Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, với quy định mới này khi áp dụng sẽ giúp thời gian giải quyết được hết tình trạng ùn tắc trong khoảng hơn 1 tháng.
Nguồn: Phan Trang (chinhphu.vn)
Tác giả: Dung Nguyen Trong
Ý kiến bạn đọc