Đối với các nhiệm vụ của UBND tỉnh về xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, trình HĐND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện Đô Lương, UBND tỉnh giao UBND huyện Đô Lương chủ động, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện việc xây dựng các nội dung trên đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, quy định; trình UBND tỉnh. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở các nội dung đề xuất của UBND huyện Đô Lương, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy trình, quy định.
Phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn Đô Lương giai đoạn 2024 - 2030 đạt từ 13 - 14%/năm trở lên
Tại Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 19/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện theo quan điểm xây dựng, phát triển huyện Đô Lương tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí, vai trò là điểm kết nối giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, khu kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển. Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến; khai thác các lợi thế để phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, thương mại dịch vụ, du lịch, các ngành, nghề truyền thống của địa phương và nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh; lãnh đạo, điều hành quyết liệt, nhất quán, linh hoạt; huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ xã hội để phát triển nhanh hạ tầng, đầu tư sản xuất, kinh doanh và phát triển các lĩnh vực. Củng cố, giữ vững sự đoàn kết, đồng thuận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, ý chí vươn lên phát triển nhanh và bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã; có nền tảng kinh tế vững chắc, tốc độ tăng trưởng cao, đô thị văn minh, hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại. Các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống con người Đô Lương được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội bảo đảm vững chắc. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, giữ vững.
Phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2030 đạt từ 13 - 14%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 48,45%, dịch vụ chiếm 40,05%, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 11,5%; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khoảng 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên mức bình quân của tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 52%; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 01%.
Tầm nhìn đến năm 2045, Đô Lương là đô thị phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống con người Đô Lương được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Thực hiện 06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển huyện Đô Lương nhanh, bền vững theo mục tiêu đã xác định
Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Quán triệt, tuyên truyền, tạo thống nhất nhận thức và hành động về phát triển huyện Đô Lương; Phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; Tập trung chăm lo xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trong đó, thường xuyên quán triệt, phổ biến sâu rộng chủ trương, quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, tạo sự thống nhất nhận thức, đồng thuận trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí, quyết tâm và tinh thần năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ và nhân dân, tạo sức bật mới đưa Đô Lương phát triển nhanh, bền vững theo định hướng, mục tiêu đã xác định.
Rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch trên địa bàn bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành công tác lập quy hoạch chung đô thị Đô Lương trên phạm vi toàn huyện trước năm 2025; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các khu vực có dự án đầu tư trước năm 2026; bảo đảm bố trí đủ quỹ đất trong phát triển dài hạn để thu hút đầu tư và thực hiện hiệu quả các quy hoạch.
Tập trung cụ thể hóa 3 vùng phát triển chiến lược của huyện; hình thành 03 hành lang phát triển bao gồm: Hành lang xuyên tâm, Quốc lộ 46B, Quốc lộ 15, hành lang Quốc lộ 7C và hành lang Quốc lộ 7A. Xây dựng mạng lưới kết nối giữa các khu vực để tạo ra cấu trúc đô thị mới cho Đô Lương, kết nối chặt chẽ giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn, giữa Đô Lương với các địa phương lân cận.
Cùng với đó, phát triển một số lĩnh vực, ngành kinh tế động lực như tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; phát triển logistics trên cơ sở tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo tính liên kết chuỗi dịch vụ. Thu hút doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ, trung tâm thương mại; đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững...
Phát huy mạnh mẽ tiềm năng, văn hóa con người Đô Lương, khơi dậy ý chí, bản lĩnh tự lực, tự cường vươn lên vượt khó; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của địa phương. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là ở những nơi còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào có đạo. Bảo vệ, cải tạo cảnh quan, môi trường đô thị, nông thôn xanh, sạch, bền vững, gắn với duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử của địa phương...
Tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa và đổi mới lề lối làm việc theo hướng kiện toàn quy chế, đơn giản hóa quy trình, thực hành phương pháp làm việc khoa học, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.
Bên cạnh đó, xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền theo hướng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả...
Nguồn: Kim Oanh (t/h)