Theo đó, tại Chỉ thị số 18, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025 phải làm rõ những kết quả đạt được gắn với mục tiêu đã đề ra trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; các Nghị quyết của Quốc hội về các kế hoạch 5 năm; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về các kế hoạch 05 năm địa phương; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chiến lược trong lĩnh vực tài chính, nợ công, thuế, hải quan, dự trữ quốc gia, phát triển các thị trường tài chính (chứng khoán, bảo hiểm,...) đến năm 2030; những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm rút ra trong bối cảnh thực hiện giai đoạn 2021-2025.
Trong tổ chức thực hiện đánh giá kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh triển khai các nhiệm vụ, những yếu tố thuận lợi, thách thức trong tổ chức thực hiện, trong đó lưu ý các vấn đề về chính trị, kinh tế - xã hội trọng tâm, các yếu tố khách quan (dịch bệnh, xung đột,...) có tác động đến lĩnh vực tài chính - ngân sách. Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở tình hình thực hiện các năm giai đoạn 2021-2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, gồm: Thu, cơ cấu thu ngân sách nhà nước (theo lĩnh vực, theo sắc thuế và phân cấp); tính bền vững của nguồn thu, cơ cấu ngân sách nhà nước, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Chi, cơ cấu chi ngân sách theo lĩnh vực chi đầu tư phát triển (việc đảm bảo nguồn chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt), chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi dự trữ quốc gia,...; theo chức năng kinh tế trong ngành, lĩnh vực và phân cấp ngân sách nhà nước…
Về đánh giá tình hình thực hiện tài chính 05 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025, ngoài các nội dung đánh giá chung cần đề nghị đánh giá cụ thể các vấn về thuộc thẩm quyền địa phương, trong đó: Đánh giá việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 05 năm 2021-2025. Đánh giá các kết quả chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước, gồm: Tổng số thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn từng năm và 05 năm; phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong đó chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý thu đã triển khai nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước…
Đánh giá thực hiện cần tập trung lưu ý làm rõ về các chỉ tiêu đạt được, chưa đạt được; kết quả thực hiện các mục tiêu, nguồn lực tài chính gắn với các kết quả, hiệu quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình/đề án/nhiệm vụ cụ thể tại địa phương. Trên cơ sở đó, phân tích những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.
Đối với việc xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2026-2030 cần dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu tại địa phương (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP), chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng của các lĩnh vực sản xuất, ngành hàng và giá các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt) có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 05 năm giai đoạn 2026-2030.
Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch. Xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu; khung cân đối về tài chính - ngân sách của địa phương trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành; bao gồm: Thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn phù hợp với các dự kiến trình cấp thẩm quyền về định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong cùng kỳ; thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế); các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, lĩnh vực có nguồn thu lớn. Dự kiến các khoản thu hồi vốn của ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc phạm vi quản lý của địa phương 05 năm 2026-2030.
Chi ngân sách địa phương, gồm: Tổng chi và cơ cấu chi ngân sách trên cơ sở các cơ chế, chính sách năm 2025, chi tiết theo chi đầu tư phát triển (trong đó làm rõ cơ cấu chi đầu tư phát triển theo tính chất nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết, nguồn bội chi ngân sách địa phương), chi thường xuyên, chi trả nợ lãi và tổng chi quỹ lương của địa phương; các yếu tố tác động đến chi ngân sách địa phương; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo cơ cấu chi hợp lý, bền vững, nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương. Dự kiến nguồn thực hiện chính sách mới theo quy định và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn dành ra từ việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế (nếu có).
Cân đối ngân sách địa phương: Bội chi hoặc bội thu ngân sách địa phương; tăng mức vay của ngân sách địa phương, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương.
Các chỉ tiêu về quản lý nợ của địa phương, gồm: Hạn mức vay, dư nợ vay của chính quyền địa phương; dự kiến vay, trả nợ. Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách địa phương và các chỉ tiêu quản lý về nợ của chính quyền địa phương. Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nguồn: PT (Tổng hợp)
Tác giả: Dung Nguyen Trong
Ý kiến bạn đọc