Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu ngành NN&PTNT bám sát các mục tiêu, chi tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về lĩnh vực NN&PTNT, Kế hoạch 05 năm 2021-2025 và kế hoạch hàng năm, đặc biệt là những định hướng trong Nghị quyết số 39 - NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị liên quan đến nội dung thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trước hết rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu còn lại trong hai năm 2024, 2025 để xây dựng các giải pháp hoàn thành ở mức cao nhất.
Đẩy mạnh hoàn thiện chiến lược phát triển các sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực của ngành với 07 nhóm sản phẩm gồm: Lúa gạo, cây nguyên liệu mía chè, trái cây, thịt các loại chủ yếu là thịt lợn và gia cầm, thủy sản, sữa tươi, gỗ và sản phẩm ngoài gỗ; trong đó cần tập trung xây dựng mục tiêu cụ thể, quy hoạch rõ từng vùng sản xuất, quan tâm ứng dụng công nghệ, xây dựng các chính sách hỗ trợ và phát triển thị trường tiêu thụ. Cụ thể, đối với trồng trọt phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị thấp sang các loại cây có giá trị cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và nhu cầu của thị trường; chăn nuôi phải theo hướng quy mô công nghiệp, hình thành các trang trại theo chuỗi giá trị, theo mô hình tuần hoàn, ứng dụng công nghệ, đảm bảo an toàn với môi trường; nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; trong lĩnh vực lâm nghiệp tập trung phát triển rừng gắn với phát triển thị trường tín chỉ các-bon, đầu tư trồng rừng thâm canh, chuyển đổi nhanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, cơ cấu lại tổ chức bộ máy để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ để thu hút đầu tư.
Cùng với đó, quan tâm nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển các mô hình kinh tế trạng trại; tăng cường liên kết chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nâng cao hiệu quả về phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; tìm hiểu thị trường, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư ở thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, đồng thời phải có sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý, điều hành, để nâng cao tính hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như đất đai, quy hoạch, đầu tư, khoa học công nghệ, lao động, thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, nâng tiêu chí bình quân trong toàn tỉnh lên trên 17 tiêu chí/xã. Đề xuất cơ chế, giải pháp cụ thể để thực hiện xây dựng NTM đối với các xã miền núi.
Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến hạ tầng cho lĩnh vực thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp và hạ tầng nước sạch nông thôn, xử lý rác thải nông thôn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả cao nhất việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, cũng như nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng: Hợp phần đền bù, di dân tái định cư Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1; Dự án giai đoạn 1 hệ thống thủy lợi Khe Lại – Vực Mấu; Dự án Kè sông Nậm Mộ đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, khâu nối phối hợp với các cơ quan Trung ương để có thêm nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt trong giai đoạn tới là các dự án trọng điểm đã được định hướng trong quy hoạch. Quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư cho các công trình nước sạch nông thôn nhằm phát huy tính hiệu quả đầu tư.
Tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; rà soát các công trình ách yếu, các điểm có nguy cơ sạt lở, bố trí tái định cư để đảm bảo an toàn tối đa tính mạng và tài sản của người dân.
Quan tâm công tác truyền thông và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo ra các nền tảng số để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và phát triển thị trường. Quan tâm đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo các chuyên gia, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nguồn: PT (Tổng hợp)