Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta tiếp tục phải thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2021.
Những kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020
Từ năm 2014 đến nay, hàng năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bám sát các tiêu chí và thực hành quốc tế (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm từ 2014 đến 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019, 2020). Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại các Nghị quyết, thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện. Chúng ta xếp thứ 70 về Môi trường kinh doanh, tăng 20 bậc so với năm 2015 (theo công bố của Ngân hàng Thế giới - WB năm 2019), xếp thứ 67 về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, tăng 10 bậc so với năm 2018 (theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF năm 2019), xếp thứ 63 về Năng lực cạnh tranh du lịch, tăng 12 bậc so với năm 2015 (theo công bố của WEF năm 2019); xếp thứ 39 về Hiệu quả logistics, tăng 25 bậc so với năm 2016 (theo công bố của WB năm 2018), xếp thứ 42 về Đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 17 bậc so với năm 2016 (theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO năm 2020), xếp thứ 86 về Chính phủ điện tử, tăng 3 bậc so với năm 2016 (theo công bố của Liên hợp quốc năm 2020). Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Ngoài ra, một số chỉ số, tiêu chí cụ thể trong các bộ chỉ số được ghi nhận tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, xếp thứ 27; Ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc, xếp thứ 41, v.v...
Bên cạnh đó, qua gần 7 năm triển khai, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi trách nhiệm của mình. Nhờ đó, hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ, nhiều yếu tố và vấn đề về xã hội, quản lý, quản trị liên quan tới chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được chú trọng chỉ đạo giải quyết. Nhiều TTHC được bãi bỏ, đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp (như: Luật doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, thực hiện đăng ký doanh nghiệp online; các thủ tục khởi sự kinh doanh được thực hiện theo phương thức liên thông; doanh nghiệp được giảm lệ phí đăng ý doanh nghiệp, giảm phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập; bãi bỏ yêu cầu về bổ sung quy hoạch và xác nhận phù hợp quy hoạch điện lực khi doanh nghiệp thực hiện việc cấp điện; thời gian cấp phép xây dựng được rút ngắn, thực hiện đồng thời cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng với các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường…); Luật Đầu tư 2020 đã giảm số ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 243 xuống còn 227; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong giai đoạn từ 2018-2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
|
(Ảnh minh họa: Kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh của Việt Nam) |
Việc giải quyết TTHC thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả và đi vào nề nếp; cả nước có 59/63 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 97,37%; 100% bộ, ngành, địa phương kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC... Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã tích hợp, cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến trên 6.798 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ hơn 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%); hơn 100,5 triệu lượt truy cập; hơn 27,5 triệu hồ sơ TTHC được đồng bộ trạng thái lên Cổng; hơn 744,8 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng (cao điểm 1 ngày nhận 12.000 hồ sơ). Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 14 bộ, ngành và 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã có hơn 48 nghìn lượt giao dịch thành công qua Cổng... Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ khi khai trương đến nay là khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm. Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương, địa phương với hơn 3,8 triệu văn bản điện tử, chi phí tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối với 14 Bộ, cơ quan và 37 địa phương với 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 63/63 tỉnh, thành phố đã cung cấp dữ liệu trực tuyến về 8 chỉ tiêu kinh tế xã hội; chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống này khoảng 460 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định, điều kiện kinh doanh đang là rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp; công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển biến chậm, chưa đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đề ra. Tuy có sự cải thiện về thứ hạng, nhưng chất lượng môi trường kinh doanh (thể hiện thông qua điểm số) tăng còn ít và chậm so với các quốc gia trong khu vực. Việc đạt mục tiêu đưa môi trường kinh doanh nước ta vào nhóm 4 nước ASEAN vẫn là một thách thức và đòi hỏi cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện các giải pháp cải cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
Nhiệm vụ năm 2021
Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta, là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo. Đó là lý do Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 nói chung, tạo đà cho các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, do Nghị quyết số 02 năm 2019 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu cho cả giai đoạn 2019-2021 và một số bộ chỉ số quốc tế tạm hoãn công bố, chúng ta không có số liệu để đánh giá mức độ cải thiện của năm 2020 so với năm 2019 cũng như so với đầu nhiệm kỳ, không có cơ sở đầy đủ để tính toán cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2021. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 năm 2021 trên tinh thần ngắn gọn, kế thừa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết trước đây, đồng thời lựa chọn, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp mới trên cơ sở các vấn đề trọng tâm, nổi cộm cần giải quyết ngay trong năm 2021.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo đó, ngoài việc tiếp tục khẳng định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020), Nghị quyết năm nay không đề ra các nhiệm vụ theo từng nhóm giải pháp như tại Nghị quyết các năm trước đây, không xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ và gắn với các chỉ số, chỉ số thành phần cần cải thiện, thay vào đó Nghị quyết đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, gồm: (1) Tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướngxác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì, phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Đồng thời, chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. (2) Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu đạt 100% cho các dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội). Đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước... (3) Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa, v.v…; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững. Thực hiện các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp về nội dung và ý nghĩa của phát triển bền vững nhằm phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. (4) Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02 năm 2021 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02 năm 2021, trong đó xác định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm và thời hạn hoàn thành của các cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, trong quá trình tham mưu cho Chính phủ các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, cần lưu ý tác động của chính sách đến các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, bảo đảm giúp cải thiện các chỉ số này của Việt Nam trên trường quốc tế; cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết để bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo yêu cầu của Nghị quyết. Đồng thời, lưu ý việc tự đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của bộ, cơ quan, địa phương để bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện và khách quan, giúp Chính phủ đề ra được những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi cho các năm tiếp theo.
Thứ tư, đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do đây là 2 địa phương sẽ được WB đánh giá về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian sắp tới (TP. Hồ Chí Minh đã được đánh giá từ nhiều năm nay, TP. Hà Nội có thể được lựa chọn đánh giá do là thành phố lớn thứ 2 theo tiêu chí dân số khi dân số Việt Nam đạt mức 100 triệu trong 1-2 năm tới), nên việc thực hiện các quy định, thủ tục liên quan tới 10 chỉ số môi trường kinh doanh của 2 thành phố này sẽ quyết định tới kết quả đánh giá Môi trường kinh doanh của Việt Nam do WB thực hiện, cần chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để có thể giúp cải thiện điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam, ví dụ như: Thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục liên quan đến 10 chỉ số môi trường kinh doanh, triển khai trên Cổng dịch vụ công của thành phố và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm nâng cao tính minh bạch và chất lượng giải quyết các thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Trà Lê, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Nguồn: http://thutuchanhchinh.vn)