Trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã tích cực trong công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý, qua đó cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến năm 2020, Chính phủ đã liên tục ban hành và triển khai thực hiện hàng loạt Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, cùng với Nghị quyết số 35 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ trong việc cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng. Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn 20 ngày Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Bộ Xây dựng đã đề xuất và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ tiêu cấp phép xây dựng. Cụ thể, tham mưu, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 với nhiều điểm mới, đặc biệt là những cải cách về thủ tục thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm giảm đối tượng phải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn về xây dựng. Việc sửa đổi, bổ sung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cũng phân tách trách nhiệm, nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đồng thời tích hợp thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy với thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, làm rõ việc thực hiện đồng thời các thủ tục về môi trường, thẩm định về công nghệ… trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian thẩm định. Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Qua đó, giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; làm rõ các bước thiết kế cần thẩm định, phê duyệt và phân định trách nhiệm, nội dung thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư và của cơ quan chuyên môn về xây dựng. “Những sửa đổi bổ sung này còn góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn khác”, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết. Đáng chú ý, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép xây dựng đã tạo ra những chuyển biến đáng kể góp phần mở rộng đối tượng miễn giấy phép xây dựng, đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh và rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với công trình từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh Việt Nam và toàn thế giới đang bị tác động lớn bởi đại dịch COVID - 19, với mục tiêu sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 đã quy định một số nội dung có hiệu lực sớm hơn (kể từ ngày 15/8/2020). Theo đó, thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư (thay vì của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công); miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt. Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua Bộ và các Bộ ngành, các địa phương có liên quan đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải cách, rút ngắn thời gian thực hiện trên thực tế đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Theo đó, nhiều địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực xây dựng, phối hợp thực hiện cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan; giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan trên thực tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 08/CT-TTg. Đánh giá của Ngân hàng thế giới cho thấy, chỉ số Cấp phép xây dựng của Việt Nam năm 2019 (Doing Business 2020) xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đạt 79,27 điểm. Chỉ số Cấp phép xây dựng của Việt Nam là chỉ số xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số Môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam cũng được đánh giá là nước có số lượng thủ tục, chi phí thực hiện thủ tục thấp, kiểm soát chất lượng xây dựng tốt. Cụ thể có 4/6 yếu tố đo lường về kiểm soát chất lượng xây dựng đạt điểm tối đa. Điểm nhấn trong đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 157/254 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 62% thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng. Bộ Xây dựng được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ, ngành nỗ lực giảm thiểu các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân và đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Những nỗ lực này đã khắc phục được tình trạng can thiệp sâu vào quy mô hoạt động của tổ chức, loại bỏ sự độc quyền của một số tổ chức lớn. Qua đó tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng lao động tại các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng, phù hợp với yêu cầu công việc và quy luật thị trường lao động... Theo bà Tống Thị Hạnh, nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý của Bộ đã được thực hiện bằng hình thức hậu kiểm. “Một số sản phẩm, hàng hóa được áp dụng biện pháp miễn kiểm tra chất lượng, cắt giảm 52% sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải kiểm tra, quy định rõ thời điểm kiểm tra đối với từng sản phẩm, hàng hóa; giảm thời gian lưu kho bãi tại hải quan giúp giảm chi phí lưu kho bãi so với trước đây”, bà Hạnh cho biết. Từ ngày 1/10/2018, Bộ Xây dựng đã đưa vào vận hành Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ. Theo đó, 100% các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của các Cục, Vụ được chuyển về giải quyết tại Bộ phận này. Đánh giá của tổ chức, cá nhân đến làm việc tại Bộ phận một cửa của Bộ Xây dựng rất tích cực, bước đầu tạo ra thay đổi trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ đạt được kết quả tốt, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, một đầu mối trong giải quyết thủ tục hành chính. Ấn tượng trước những kết quả này, ông Đậu Anh Tuấn,Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận định: “Đây là một chuyển động quan trọng trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam và là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam”. Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các Hiệp hội, Hội, doanh nghiệp. Coi đây là kênh “phản hồi thông tin quan trọng” để nghiên cứu, tiếp thu và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng. Toàn Thắng Nguồn: Chinhphu.vn(4/12/2020) |
Ý kiến bạn đọc