Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và đã hai lần có công văn gửi xin ý kiến các Bộ có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; gửi đăng dự thảo Thông tư trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Bộ Tài chính đã nhận được khoảng 1.700 ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó hoàn chỉnh lại dự thảo Thông tư.
Đối với quy định "Tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức", dự thảo quy định: "Mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử" để bảo đảm tách bạch, công khai, minh bạch, đúng mục đích trong hoạt động lễ hội tại các cơ quan nhà nước; đồng thời, bảo đảm thuận lợi cho công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý thu, chi tài chính cho hoạt động lễ hội.
Đối với "Quy định tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích", dự thảo nêu rõ: "Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử".
Quy định nêu trên để bảo đảm cho việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ an toàn, thuận tiện, lý do là thời gian qua đã xảy rất nhiều vụ trộm cắp tài sản tại các di tích, có không ít nhà chùa trình báo mất trộm hàng tỷ đồng; mặt khác, khi xảy ra đại dịch COVID-19, có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu công đức, tài trợ cho di tích nhưng không thực hiện được do thực hiện giãn cách xã hội.
Về nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích, dự thảo đề xuất: "Chi hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (đối với di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng)" trên cơ sở quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo "Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo". Theo đó, "chi hoạt động tôn giáo" là khoản chi thường xuyên, bao gồm chi cho hoạt động của nhà tu hành, chức sắc, chức việc trong tổ chức tôn giáo; nội dung chi cụ thể do tổ chức tôn giáo quy định.
Theo Bộ Tài chính, với quy định trong dự thảo Thông tư đã đáp ứng được cơ bản các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, cụ thể:
1. Làm rõ các chủ thể tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích, trên cơ sở đó quy định cụ thể trách nhiệm các chủ thể trong quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
2. Đối với lễ hội: Kinh phí tổ chức lễ hội được sử dụng từ các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước (ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống, bảo đảm phù hợp khả năng cân đối của ngân sách nhà nước). Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho tổ chức lễ hội hiệu quả, bảo đảm đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
3. Đối với cơ sở tôn giáo là di tích đã được xếp hạng: Trường hợp tại di tích không có hoạt động lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, thì tiền công đức, tài trợ cho di tích hoàn toàn do tổ chức tôn giáo quản lý và sử dụng. Trường hợp tại di tích có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ, thì tiền công đức, tài trợ cho di tích được trích một phần để chi cho hoạt động tổ chức lễ hội tại di tích, phần còn lại do tổ chức tôn giáo quản lý và sử dụng.
4. Mở tài khoản, mở sổ sách để phản ánh, ghi chép các khoản thu, chi từ nguồn hỗ trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích là nguyên tắc quản lý tài chính, được áp dụng bắt buộc trong các cơ quan nhà nước. Các tổ chức, cá nhân khác được vận dụng để thực hiện, bảo đảm quản lý an toàn, công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho mọi người có đóng góp tài chính.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: Khánh Linh (baochinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc