Gắn trách nhiệm rõ người, rõ việc
Làm việc với các địa phương, đoàn kiểm tra đánh giá: Công tác cải cách hành chính được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đô Lương và Tân Kỳ quan tâm, tập trung lãnh đạo chỉ đạo. Các huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo của huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban.
Đoàn kiểm tra làm việc với huyện Đô Lương. Ảnh: TL
Các huyện kịp thời ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ và ban hành chương trình công tác. Đồng thời, phân công người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách công tác cải cách hành chính và quyết định bố trí công chức chuyên trách tham mưu cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác cải cách hành chính.
Đồng chí Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Công tác cải cách hành chính được huyện Tân Kỳ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và huyện quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo đó, huyện yêu cầu 100% các phòng, ngành, địa phương rà soát bổ sung nội dung lãnh đạo chỉ đạo, thực hiện công tác cải cách hành chính vào quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị mình và gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Huyện yêu cầu các phòng, ban, địa phương xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại công tác cải cách hành chính có lộ trình, hiệu quả; gắn trách nhiệm với từng cá nhân, rõ người, rõ việc.
"Cách làm của huyện Tân Kỳ đó là, huyện tổ chức cho các trưởng phòng, ban, UBND các xã ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đến hết năm 2024, sau khi đánh giá nếu cán bộ nào không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì sẽ tự nguyện nghỉ việc hoặc để tổ chức sắp xếp lại công việc khác" - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ nói.
UBND các huyện đã ban hành nhiều văn bản triển khai hoạt động kiểm tra, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, bám sát các văn bản của cấp trên để triển khai thực hiện nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn; bố trí công chức đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại huyện và cấp xã.
Huyện Tân Kỳ đã kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Trong đó: Hết hiệu lực toàn bộ: 21 văn bản; số văn bản giữ nguyên (còn hiệu lực thi hành): 14 văn bản; số văn bản kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, thay thế: 1 văn bản; số văn bản kiến nghị bãi bỏ, huỷ bỏ: 0 văn bản.
Đối với huyện Đô Lương, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên địa bàn là 347 thủ tục, trong đó có 237 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện, 110 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã. Huyện đã tiến hành rà soát, đề nghị đơn giản hóa: 12 thủ tục hành chính.
Các địa phương Tân Kỳ và Đô Lương đã kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND huyện. Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã hoạt động cơ bản có hiệu quả.
Cùng đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền các huyện: Đô Lương, Tân Kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện rất quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân trên địa bàn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được quan tâm và đảm bảo thực hiện hiệu quả.
Đoàn kiểm tra làm việc với huyện Tân Kỳ. Ảnh: TL
Qua kiểm tra nghiệp vụ, đoàn kiểm tra nêu rõ: Mặc dù có những chuyển biến tích cực, công tác cải cách hành chính của các huyện còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác phát động, tìm kiếm sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính chưa nhiều.
Vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính cho công dân; công tác chuyển đổi số còn hạn chế; chưa đổi mới công tác thông tin tuyên truyền,...
Quyết liệt, đồng bộ đối với công tác cải cách hành chính
Đoàn kiểm tra đề nghị, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính huyện Đô Lương, Tân Kỳ trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ đối với công tác cải cách hành chính.
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính huyện, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền cấp huyện, cấp xã trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC; đổi mới tư duy, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch cải cách hành chính.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, giảm tối đa tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn; chú trọng công tác kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm hoặc gây khó khăn, sách nhiễu, tiêu cực khi tiếp nhận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; tăng cường, có chế tài xử lý số hóa hồ sơ,…Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương,...
Thanh Lê
Nguồn: báo Nghệ An
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc