Chương trình “Sắc Xuân miền Tây Nghệ An” được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc miền Tây Nghệ An trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ, động viên tinh thần phấn khởi đón mừng Xuân mới với khí thế mới của cộng đồng các dân tộc miền Tây Nghệ An. Thông qua các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch miền Tây Nghệ An, điểm đến thân thiện hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.
Theo Kế hoạch, các nội dung của Chương trình “Sắc Xuân miền Tây Nghệ An” năm 2025 gồm: Trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ, trích đoạn nghi thức lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số Nghệ An. Trình diễn trang phục của đồng bào dân tộc Nghệ An. Tổ chức giao lưu đánh trống - cồng chiêng - khắc luống - múa sạp mừng hội Xuân của các huyện về tham gia Chương trình. Tổ chức các trò chơi dân gian dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An (tung còn, đi cà kheo và kéo co). Tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của đồng bào miền Tây Nghệ An.
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ tổ chức Chương trình “Sắc Xuân miền Tây Nghệ An” năm 2025. Xây dựng kịch bản chương trình…
Đài Phát thanh và Truyền hình tổ chức tuyên truyền, quảng bá về Chương trình “Sắc Xuân miền Tây Nghệ An” năm 2025 trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh; phát sóng trực tiếp trên các nền tảng số (livetream) và ghi hình phát sóng Chương trình trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An.
Sở Du lịch tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, các tua tuyến, điểm đến về miền Tây Nghệ An với du khách trong và ngoài nước; phối hợp, hỗ trợ huyện Kỳ Sơn thúc đẩy các hoạt động du lịch trong thời điểm diễn ra Chương trình.
UBND huyện Kỳ Sơn thực hiện việc tuyên truyền trực quan xung quanh khu vực sân khấu và trung tâm thị trấn theo maket của Sở Văn hóa và Thể thao; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện để thông báo cho Nhân dân tham gia các hoạt động; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; đảm bảo nguồn điện để thi công lắp đặt sân khấu, hợp luyện chương trình; đảm bảo nguồn điện sáng tại các khu vực tổ chức các hoạt động và phục vụ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh ghi hình chương trình. Chỉ đạo triển khai các nội dung theo yêu cầu kịch bản Chương trình đã được phê duyệt.
Tại kế hoạch này, UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ chỉ đạo xây dựng 02 tiết mục văn nghệ tham gia biểu diễn tại Chương trình; chỉ đạo chọn diễn viên nam, nữ tham gia trình diễn trang phục dân tộc; thành lập đoàn vận động viên tham gia thi tung còn, cà kheo, kéo co trong Chương trình…
Nguồn: PT (Tổng hợp)