Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để triển khai tiêm phòng vắc xin bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin

Chủ nhật - 28/04/2024 06:26 235 0

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ tại Công văn số 3274/UBND-NN ngày 25/4 đối với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh và Giám đốc các Sở: NN&PTNT, Tài chính về việc tập trung chỉ đạo tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2024.

Theo đó, thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2024, công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi được triển khai từ ngày 15/3/2024 đến nay. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp. Đặc biệt còn 06 huyện: Quỳ Hợp, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn chưa tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi vụ Xuân năm 2024, giảm thiểu các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, bệnh truyền lây giữa động vật và người, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh và Giám đốc các Sở: NN&PTNT, Tài chính tập trung thực hiện tốt các Công điện, Công văn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại, tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn vật nuôi, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại cơ sở. Tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; đặc biệt đối với các địa phương tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, các địa phương chưa triển khai tiêm phòng cần triển khai ngay. Tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin.

Đồng thời, chủ động bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh (hỗ trợ mua vắc xin, vật tư, dụng cụ bảo hộ, tiền công chỉ đạo, tiền công tiêm phòng,...). Các huyện được hỗ trợ vắc xin theo Chương trình Quốc gia và theo chính sách của tỉnh, ngoài các xã được hỗ trợ vắc xin cần chủ động bố trí kinh phí hoặc chỉ đạo người chăn nuôi mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Nhắc nhở, phê bình các Chủ tịch UBND cấp xã chưa quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng
Trong quá trình tiêm phòng, cần tiếp tục rà soát thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh để tiêm phòng triệt để; thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, các quy định về xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, của UBND tỉnh. Nhắc nhở, phê bình các Chủ tịch UBND cấp xã chưa quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng để tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp. Đặc biệt địa phương nào để dịch bệnh Dại, Cúm gia cầm xảy ra, lây lan, có người tử vong do chó mắc bệnh Dại cắn hoặc do nhiễm vi rút CGC khi đàn chó, gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Thường xuyên báo cáo tiến độ tiêm phòng, đồng thời tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả tiêm phòng sau khi kết thúc đợt tiêm phòng cho Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Trong đó, lưu ý phải rà soát, tổng hợp số liệu vắc xin do các trang trại chăn nuôi tự tiêm để tổng hợp báo cáo, đánh giá đúng thực chất tỷ lệ tiêm phòng.
Phối hợp với các địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức tiêm phòng tại cơ sở
Sở NN&PTNT chỉ đạo các đoàn công tác đã được thành lập theo Quyết định số 171/QĐ-SNN-CNTY ngày 02/4/2024 của Giám đốc Sở NN&PTNT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng; ưu tiên tập trung kiểm tra, chỉ đạo đối với các địa phương chưa triển khai tiêm phòng, tỷ lệ tiêm phòng thấp. Phối hợp với các địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức tiêm phòng tại cơ sở. Thường xuyên nắm bắt, tổng hợp báo cáo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh biểu dương đối các địa phương làm tốt, kết quả tiêm phòng đạt cao; đồng thời nhắc nhở, phê bình các địa phương tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp.
Cùng với đó, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động nguồn vắc xin, hóa chất để tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tổng hợp báo cáo tiến độ hàng tuần, báo cáo đánh giá kết quả sau khi kết thúc tiêm phòng của các địa phương để tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh.
Sở Tài Chính chủ động tham mưu, thẩm định bố trí sớm các nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.
UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành trong công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định hiện hành và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đối với các trang trại tự tổ chức tiêm phòng phải báo cáo, kê khai đàn vật nuôi và báo cáo số liệu tiêm phòng các loại vắc xin cho UBND cấp xã để tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện.
Những tổ chức, cá nhân không chấp hành kê khai hoạt động chăn nuôi, không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi theo quy định; khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 ổ bệnh Dại tại 03 huyện, số chó mắc bệnh tiêu hủy 06 con, có 01 người tử vong do bệnh Dại; bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra 79 ổ tại 20 huyện thành thị, tiêu hủy 1.850 con lợn; bệnh Lở mồm long móng (LMLM) xảy ra 01 ổ, số gia súc mắc bệnh 27 con trong đó số gia súc chết tiêu hủy 09 con. Kết quả giám sát chủ động dịch bệnh cho thấy tỷ lệ lưu hành các loại mầm bệnh lớn như: bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 là 13,39%, bệnh Dại là 64,7%, bệnh DTLCP là 3,45%... nên nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan thời gian tới rất cao.

Nguồn: N.B (tổng hợp)
 

Tác giả: Dung Nguyen Trong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Tra cứu hồ sơ
Đánh giá hài lòng
Cổng dịch vụ công quốc qia
Góp ý dự thảo văn bản
Chuyên trang cải cách hành chính
Thăm dò ý kiến

Thông tin trên trang này có hữu ích không?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay7,167
  • Tháng hiện tại96,722
  • Tổng lượt truy cập4,758,062
VỊ TRÍ TRUNG TÂM
Quét để quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây