Nghị quyết số 164/2024/QH15 thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự

Thứ năm - 05/12/2024 08:40 7 0
Toàn văn Nghị quyết số 164/2024/QH15 của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

NGHỊ QUYẾT

Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị quyết này quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Vật chứng, tài sản thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này.

2. Nghị quyết này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự.

2. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý kịp thời, hiệu quả vật chứng, tài sản nhưng không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ việc, vụ án; sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Bảo đảm kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; bảo đảm trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản.

4. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Biện pháp xử lý vật chứng, tài sản

1. Biện pháp trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý được thực hiện như sau:

a) Trường hợp vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ chủ sở hữu, bị hại, số tiền bị thiệt hại, đồng thời có văn bản đề nghị của bị hại hoặc người đại diện của họ và văn bản đề nghị của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự, tỷ lệ được pháp luật thi hành án dân sự quy định.

Quyết định trả lại tiền cho bị hại được gửi đến tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản tạm giữ hoặc đang thi hành lệnh phong tỏa tài khoản để thực hiện;

b) Đối với số tiền đã thu giữ, tạm giữ không thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại điểm a khoản này, nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định gửi tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để chờ xử lý.

Đối với tiền trong tài khoản bị phong tỏa không thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại điểm a khoản này, nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và quyết định phong tỏa tài khoản tiền gửi để chờ xử lý.

2. Biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản được thực hiện như sau:

a) Trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan, nếu họ có nhu cầu khai thác, sử dụng và có văn bản đề nghị nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản theo quy định của pháp luật và xem xét, ra quyết định cho người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân được nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với vật chứng, tài sản đó. Số tiền nộp bảo đảm không được thấp hơn giá của vật chứng, tài sản theo kết luận định giá tài sản;

b) Tiền bảo đảm được nộp vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này. Sau khi tiền bảo đảm được nộp vào tài khoản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng. Người được giao lại tài sản có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng.

3. Biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng được thực hiện như sau:

a) Trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và không có tranh chấp, được mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, nếu họ có văn bản đề nghị cho bán, chuyển nhượng thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản và xem xét, quyết định cho bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đó thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ sở hữu chung mua lại vật chứng, tài sản thì không phải đấu giá;

b) Tổ chức, cá nhân mua, nhận chuyển nhượng vật chứng, tài sản phải chuyển toàn bộ số tiền từ việc mua bán, chuyển nhượng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng.

4. Biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng được thực hiện như sau:

a) Trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng, tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản theo quy định của pháp luật và xem xét, quyết định giao vật chứng, tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người khác quản lý, khai thác, sử dụng theo đề nghị của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng khi có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp;

b) Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản, không được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, hủy hoại, cố ý gây thiệt hại vật chứng, tài sản đó.

5. Biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được thực hiện như sau:

a) Khi có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn việc người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó.

Trường hợp tài sản có thể chia tách được thì chỉ tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với phần tài sản có giá trị tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại;

b) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh.

Trường hợp có đủ căn cứ, điều kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với tài sản. Tài sản thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa được xem xét, xử lý theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Trường hợp không đủ căn cứ, điều kiện thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã áp dụng;

c) Trường hợp phức tạp mà chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để xử lý trong thời hạn quy định tại điểm b khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần thời hạn áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản nhưng không quá 02 tháng.

6. Lợi tức phát sinh trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản theo quy định của Nghị quyết này được xử lý theo bản án, quyết định của Tòa án.

7. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục quyết định việc áp dụng, hủy bỏ các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được quy định như sau:

a) Việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra; do Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định trong quá trình truy tố; do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định trong quá trình chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử;

b) Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Việc áp dụng phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định, trừ trường hợp do Hội đồng xét xử quyết định.

Việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản phải được ghi rõ trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án, quyết định của Tòa án;

c) Trường hợp xét thấy không đủ căn cứ, điều kiện áp dụng, không còn cần thiết hoặc có thể thay bằng biện pháp xử lý khác quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền đã ra quyết định áp dụng quy định tại điểm a khoản này phải ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trừ biện pháp quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều này đã thực hiện xong;

d) Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án; giao cho người bị buộc tội; gửi cho ngân hàng, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát;

đ) Khi cần thiết, trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, Viện kiểm sát đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra đối với Cơ quan điều tra hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt động kiểm tra, xác minh, điều tra trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản.

Trường hợp thấy việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Cơ quan điều tra, Tòa án có căn cứ hủy bỏ theo quy định tại điểm c khoản này mà Cơ quan điều tra, Tòa án không hủy bỏ thì Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Cơ quan điều tra; kiến nghị, kháng nghị quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

e) Hội đồng xét xử có quyền xem xét lại quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của các cơ quan tiến hành tố tụng.

8. Tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, tài sản đã áp dụng biện pháp xử lý được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng, việc tố cáo, giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xử lý vật chứng, tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Trường hợp gây thiệt hại do áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại. Cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

9. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và được thực hiện trong 03 năm, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác.

2. Nghị quyết này không áp dụng đối với vụ việc, vụ án hình sự đã có quyết định xử lý hoặc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

3. Thời điểm Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành mà biện pháp xử lý vật chứng, tài sản đã áp dụng theo quy định của Nghị quyết này chưa kết thúc thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi có quyết định hủy bỏ của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này.

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết trong báo cáo công tác hằng năm và kết quả tổng kết khi kết thúc việc thực hiện Nghị quyết.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tác giả: Dung Nguyen Trong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Tra cứu hồ sơ
Đánh giá hài lòng
Cổng dịch vụ công quốc qia
Góp ý dự thảo văn bản
Chuyên trang cải cách hành chính
Thăm dò ý kiến

Thông tin trên trang này có hữu ích không?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm106
  • Hôm nay7,761
  • Tháng hiện tại97,316
  • Tổng lượt truy cập4,758,656
VỊ TRÍ TRUNG TÂM
Quét để quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây