100% hồ sơ được giải quyết theo quy trình điện tử và được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh
Ngay từ đầu năm, công tác xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC của tỉnh đã được triển khai kịp thời, thực hiện có hiệu quả, có chất lượng. Với phương châm lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC: “Chọn việc trọng tâm - Hành động quyết liệt”, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã ban hành Kế hoạch chương trình công tác năm 2024; đồng thời, lựa chọn 07 đơn vị để tập trung chỉ đạo điểm về công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.
Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những khâu đột phá thúc đẩy quá trình CCHC, với phương châm tăng cường công khai giải quyết TTHC trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí, trong quý, lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch liên quan đến hoạt động kiểm soát TTHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để triển khai thực hiện các nhiệm vụ một cách chủ động, khoa học và hiệu quả.
Việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06/CP tiếp tục được quan tâm, đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”, đầy đủ các nhiệm vụ và theo đúng lộ trình của Đề án 06/CP đã đặt ra với quyết tâm chính trị cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là “Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả, bền vững”.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh kiểm soát chất lượng hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 18 Quyết định công bố danh mục TTHC với 283 thủ tục, 08 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong Quý I năm 2024, tỉnh đã tiếp nhận 74 nội dung phản ánh kiến nghị trên Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chuyển cho các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý. 100% hồ sơ được giải quyết theo quy trình điện tử và được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Hệ thống đã cung cấp 1.841 dịch vụ công. 21 Sở, ban, ngành, 21 huyện, thành phố, thị xã và 460 xã đều thực hiện giải quyết TTHC trên hệ thống. Tính từ ngày 10/12/2023 - 05/3/2024 đã tiếp nhận 221.167 hồ sơ, trong đó 203.932 hồ sơ đã được giải quyết.
Tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC ở một số Sở, ngành, UBND cấp huyện không đạt yêu cầu. Một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo CCHC, không gửi báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ thanh toán trực tuyến toàn tỉnh còn thấp,...
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC đúng thời gian, có chất lượng
Trong Quý II/2024, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện 7 nhiệm vụ, gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Cải cách thể chế; Cải cách TTHC; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Trong đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai có hiệu lực, hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trong chương trình CCHC của tỉnh năm 2024; đặc biệt, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã xác định. Lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CCHC đúng thời gian, có chất lượng các chương trình, kế hoạch đã ban hành trong năm 2024.
Đồng thời, nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn, đúng thời gian theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện đầy đủ nội dung công khai, minh bạch tất cả các TTHC trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, địa phương, tại nơi giao dịch và các hình thức khác. Công khai các chuẩn mực, quy định hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính.
Cùng với đó, tập trung ưu tiên thẩm định và phê duyệt Đề án vị trí việc làm của các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Tiếp tục triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành và thực thi công vụ, nhiệm vụ đảm bảo tính đồng bộ ở các cấp.
Nguồn: Kim Oanh (tổng hợp)