Xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra cháy rừng

Thứ ba - 19/03/2024 10:00 205 0
Hôm nay (19/3), UBND tỉnh ban hành Công văn số 2068/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong thời gian cao điểm về nắng nóng trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng thu dọn thực bì, phát quang, tạo đường băng cản lửa
Để chủ động triển khai kịp thời các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra các vụ cháy trên địa bàn tỉnh, quyết tâm làm giảm số vụ và hậu quả thiệt hại về cháy rừng so với năm 2023, UBND tỉnh giao các Sở, ngành, địa phương tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng thu dọn thực bì, phát quang, tạo đường băng cản lửa đối với 100% khu rừng có nguy cơ cháy trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian từ ngày 25/3 - 25/4/2024.
Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan (Biên phòng, Quân sự, UBND các cấp, các đoàn, hội...) tổ chức triển khai thực hiện đợt cao điểm đối với các khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu UBND tỉnh thành lập các Đoàn kiểm tra để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn trực tiếp việc thực hiện đợt cao điểm tại các địa phương, nhất là tại các khu rừng trọng điểm, nguy cơ cháy cao vào mùa nắng nóng hàng năm.  Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả đợt cao điểm; chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng các cấp huy động tối đa cán bộ, chiến sỹ để thực hiện hiệu quả đợt cao điểm ra quân tổng thu dọn thực bì, phát quang, tạo đường băng cản lửa đối với 100% khu rừng có nguy cơ cháy trên địa bàn đóng quân. 
UBND tỉnh cũng đề nghị Tỉnh đoàn nghiên cứu, bổ sung việc triển khai thực hiện cao điểm tổng thu dọn thực bì, phát quang, tạo đường băng cản lửa đối với 100% khu rừng có nguy cơ cháy trên địa bàn vào các chương trình hoạt động của đoàn viên, thanh niên năm 2024, nhất là huy động sự tham gia đông đảo của lực lượng đoàn viên, thanh niên các cấp, phối hợp với các lực lượng triển khai thực hiện hiệu quả đợt cao điểm. 
UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch huy động tối đa các lực lượng trên địa bàn phối hợp tổ chức triển khai đồng loạt đợt cao điểm tổng thu dọn thực bì, phát quang, tạo đường băng cản lửa đối với 100% khu rừng có nguy cơ cháy trên địa bàn. Trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp đối với UBND cấp xã trong thực hiện đợt cao điểm. Chỉ đạo UBND cấp xã huy động tối đa lực lượng trên địa bàn triển khai đồng loạt đợt cao điểm đối với các khu rừng trên địa bàn quản lý. 
Đối với các xã có diện tích rừng lớn, phải cân đối, huy động thêm các lực lượng thuộc cấp huyện và các xã khác (không có rừng hoặc diện tích rừng ít) để phối hợp tổ chức triển khai thực hiện đợt cao điểm bảo đảm phù hợp, hiệu quả nhất. Yêu cầu các Ban Quản lý rừng, hộ dân, hợp tác xã được giao, khoán rừng, các gia đình sinh sống cạnh rừng, các đơn vị tổ chức hoạt động trong rừng (khai thác khoáng sản, khu sinh thái...) thực hiện đợt cao điểm tổng thu dọn thực bì và phát quang, tạo đường băng cản lửa. Đồng thời, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), không để xảy ra cháy trong giai đoạn cao điểm nắng nóng năm 2024. Kết thúc cao điểm, có báo cáo tự đánh giá cụ thể kết quả thực hiện cao điểm (chỉ rõ đơn vị, địa phương làm tốt và thực hiện không tốt); báo cáo gửi về UBND tỉnh trước ngày 30/4/2024 để theo dõi, chỉ đạo. 
Tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCC rừng trên địa bàn tỉnh 
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra công tác ứng trực, công tác tuần tra, kiểm soát, việc triển khai các giải pháp PCCC rừng và bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC rừng của lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng tại các địa phương, trọng tâm là các khu rừng trọng điểm nguy cơ cháy cao. Kịp thời phát hiện các tồn tại, hướng dẫn khắc phục triệt để nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ cháy, cháy lan tại các khu rừng; kiên quyết làm rõ và đề xuất xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và các chủ rừng không thực hiện các quy định về PCCC (việc khắc phục các tồn tại, hạn chế phải chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc hoàn thành dứt điểm trước ngày 30/4/2024). Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, trong đó, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định pháp luật về PCCC rừng.
Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các khu rừng trọng điểm, có nguy cơ cháy cao tại các địa phương. Chủ động nghiên cứu, phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC rừng, tạo sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan chủ động các phương án huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ tham gia chữa cháy rừng, sẵn sàng phối hợp, ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu. 
Sở TT&TT, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống cháy rừng; thường xuyên phát tin, bài cảnh báo, dự báo cháy rừng trong mùa nắng nóng; cảnh báo người dân không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong khu vực rừng; đưa tin về kết quả điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm PCCC rừng (nếu có)... trên các phương tiện thông tin đại chúng. 
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng chức năng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cứu chữa kịp thời khi có các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn. 
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã có rừng tuyên truyền hàng ngày trong thời gian cao điểm nắng nóng việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn PCCC rừng qua hệ thống loa phát thanh tại các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân cư. Đồng thời, tổ chức ký cam kết ngay trước khi bước vào thời gian cao điểm về nắng nóng đối với các chủ rừng là hộ gia đình và các hộ dân hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng, đề nghị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCC rừng. Chỉ đạo rà soát các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đất rừng để tập trung tham mưu giải quyết dứt điểm, không để phát sinh phức tạp. 
Các địa phương chủ động phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có cháy rừng xảy ra; đặc biệt, phải rà soát danh sách các khu dân cư, hộ gia đình sinh sống trong rừng, ven rừng để xây dựng kịch bản, ứng phó phù hợp, hiệu quả và chủ động, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân khi cháy xảy ra. Khi có cháy rừng xảy ra, chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm chủ trì tham mưu huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ, đồng thời hướng dẫn các lực lượng và nhân dân tham gia chữa cháy rừng. Phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng theo quy định.
Năm 2023, toàn tỉnh không để xảy ra cháy rừng gây thiệt hại lớn nhưng số vụ cháy rừng xảy ra nhiều và có xu hướng gia tăng; trong năm có 14 vụ cháy rừng, 06 vụ cháy thảm thực vật, thiệt hại khoảng 14,3 ha rừng.
Nguồn: Kim Oanh (tổng hợp)

Tác giả: Dung Nguyen Trong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Tra cứu hồ sơ
Đánh giá hài lòng
Cổng dịch vụ công quốc qia
Góp ý dự thảo văn bản
Chuyên trang cải cách hành chính
Thăm dò ý kiến

Thông tin trên trang này có hữu ích không?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay8,104
  • Tháng hiện tại97,738
  • Tổng lượt truy cập4,759,078
VỊ TRÍ TRUNG TÂM
Quét để quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây