Kế hoạch được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
UBND tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2 - 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Theo Kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh sẽ thực hiện 7 dự án, gồm: (1) Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; (2) Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; (3) Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; (4) Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; (5) Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; (6) Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; (7) Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 là 603.736 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp để tập trung thực hiện gồm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về hỗ trợ giảm nghèo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình; hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án cơ sở hạ tầng huyện nghèo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm đảm bảo đúng quy định; đảm bảo điều kiện bố trí và giải ngân kế hoạch vốn theo từng danh mục dự án đã được HĐND tỉnh thông qua.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” đối với người nghèo. Động viên, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền công tác giảm nghèo trong các ngành, các cấp; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững để nhân rộng.
Tiếp tục hưởng ứng và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo"; thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ 76 xã đặc biệt khó khăn theo phân công của UBND tỉnh.
Cùng với đó, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân như chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, các chính sách tín dụng xã hội, chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về nhà ở, nước sạch. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết nối vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở những địa bàn khó khăn. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng; tập trung giải quyết đất sản xuất, đất ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phù hợp.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn lực xã hội khác tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu đầu tư giảm nghèo của Trung ương, trước hết là Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ ban hành. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo…
Nguồn: PT (Tổng hợp)