Bộ Nội vụ ban hành Hướng dẫn này nhằm cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đó, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tôn vinh, tri ân sâu sắc tới các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong năm 2024, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân tích cực tham gia, có nhiều thành tích trong các hoạt động kỷ niệm.
Theo đó, đối tượng khen thưởng là các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tổ chức, tham gia các hoạt động kỷ niệm. Việc khen thưởng phải bảo đảm theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết thi hành, cụ thể: Không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Chưa xét tặng hoặc đề nghị xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh, làm rõ.
Tiêu chuẩn khen thưởng: Hướng dẫn nêu cụ thể 03 tiêu chuẩn khen thưởng đối với tập thể và 03 tiểu chuẩn khen thưởng đối với cá nhân, cụ thể:
Đối với tập thể: (1) Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. (2) Có nhiều thành tích trong công tác chuẩn bị, tổ chức, triển khai các hoạt động kỷ niệm, được cấp có thẩm quyền công nhận. (3) Có nhiều hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm phù hợp về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đối với cá nhân: (1) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. (2) Có nhiều thành tích trong công tác tham mưu, chuẩn bị, tổ chức, triển khai các hoạt động kỷ niệm, được cấp có thẩm quyền công nhận. (3) Là tấm gương tiêu biểu, có hành động, việc làm thiết thực; có sáng kiến, giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong triển khai, thực hiện các hoạt động kỷ niệm, góp phần vào thành công của các hoạt động kỷ niệm.
Hình thức khen thưởng, gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Bằng khen cấp bộ, tỉnh) và Giấy khen
Số lượng khen thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ, ngành, tỉnh) trực tiếp tham gia các hoạt động kỷ niệm cấp Nhà nước lựa chọn, đề nghị không quá 02 trường hợp (tập thể hoặc cá nhân), riêng tỉnh Điện Biên, Bộ Quốc Phòng lựa chọn, đề nghị không quá 04 trường hợp (tập thể hoặc cá nhân) để đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Bằng khen cấp Bộ, tỉnh và Giấy khen do các Bộ, ngành, tỉnh xem xét, quyết định.
Nguồn: H.B (tổng hợp)