Theo đó, tại Công văn số 5889/BGDĐT-GDTH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết: Bộ GDĐT đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các địa phương đã hoàn thành việc biên soạn, thẩm định và được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương các lớp theo lộ trình; linh hoạt nhiều hình thức để tổ chức thực hiện dạy học nội dung Giáo dục địa phương; thực hiện các giải pháp để thực hiện in, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương theo thẩm quyền quy định. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nhiều địa phương chưa thực hiện được công tác in, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương theo thẩm quyền quy định.
Để nâng cao hiệu quả việc biên soạn, dạy học, in và phát hành tài liệu Giáo dục địa phương, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoàn thiện nội dung Giáo dục địa phương, cập nhật số liệu, ngữ liệu trong tài liệu đã được phê duyệt bảo đảm tính chính xác, khoa học; bổ sung, điều chỉnh các thông tin, ngữ liệu hoặc hình ảnh đã lạc hậu, không phù hợp theo quy định. Khẩn trương hoàn thiện việc biên soạn, thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu lớp 5, lớp 9, lớp 12 bảo đảm chất lượng và tiến độ theo đúng quy định.
Chỉ đạo Sở GDĐT tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tập huấn giáo viên nâng cao chất lượng dạy học nội dung Giáo dục địa phương, xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung Giáo dục địa phương bảo đảm quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình GDPT 2018) theo hướng dẫn của Bộ GDĐT phù hợp với đặc thù của môn học, cấp học, lớp học.
Đối với cấp Tiểu học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung Giáo dục địa phương vào kế hoạch giáo dục nhà trường với hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nhà trường, địa phương đảm bảo mục tiêu và chất lượng giáo dục. Khi xây dựng cần lồng ghép, tích hợp nội dung Giáo dục địa phương vào chương trình các môn học, hoạt động trải nghiệm để phù hợp với đặc điểm tâm lí, trình độ phát triển nhận thức của học sinh theo từng khối lớp đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, không gây áp lực, quá tải cho học sinh.
Đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phân công giáo viên dạy học nội dung Giáo dục địa phương phù hợp với chuyên môn; căn cứ vào phân công của nhà trường, các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học nội dung Giáo dục địa phương theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương; tổ chức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên nắm vững nội dung và phương pháp giảng dạy.
Đối với công tác in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh quán triệt, thống nhất quan điểm: tài liệu Giáo dục địa phương là tài liệu bắt buộc trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, vì vậy cần tập trung nghiên cứu, phân tích thực trạng và căn cứ pháp lý để thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền trách nhiệm, không né tránh trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương; quá trình biên soạn, thẩm định, in, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương phải thực hiện đúng quy định, phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm tính ổn định để sử dụng lâu dài tránh lãng phí trong in, phát hành; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tham gia với mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm việc học tập của học sinh là trên hết, không đặt nặng mục tiêu kinh doanh lợi nhuận; cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ, bảo đảm tài liệu Giáo dục địa phương được in và phát hành kịp thời để giáo viên và học sinh có tài liệu cho hoạt động dạy học theo quy định. Trong quá trình thực hiện các nội dung liên quan đến in, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan.
Đối với địa phương sử dụng nguồn vốn xã hội hóa để biên soạn tài liệụ Giáo dục địa phương chủ động triển khai theo thẩm quyền thực hiện quy trình đấu thầu công khai, minh bạch, với các tiêu chí lựa chọn rõ ràng về năng lực, kinh nghiệm và cam kết về chất lượng tài liệu. Đồng thời, cần thực hiện việc xác định giá theo đúng quy định của Luật Giá và các văn bản pháp luật liên quan khác. Đặc biệt, cần bảo đảm UBND tỉnh là chủ sở hữu quyền tác giả của tài liệu Giáo dục địa phương để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của địa phương.
Đối với địa phương sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương và nguồn tài trợ, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức để biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương chỉ đạo thực hiện phân cấp quản lý, sử dụng tài liệu Giáo dục địa phương để chủ động triển khai công tác in, phát hành tài liệu GDĐP theo quy định của pháp luật với hình thức là sử dụng ngân sách địa phương để in, cấp phát cho học sinh, giáo viên, thư viện hoặc in, phát hành bằng hình thức xã hội hóa.
Nguồn: PT (tổng hợp
Tác giả: Dung Nguyen Trong
Ý kiến bạn đọc