Nhằm tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động và phòng chống hiệu quả bệnh nghề nghiệp đặc biệt trong khu vực lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp, tại Công văn số 1275/BYT-DP, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách để triển khai đạt các mục tiêu và chỉ số đã được giao tại Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16/02/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
Chỉ đạo Sở Y tế rà soát, củng cố nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tuyên truyền cho các cơ sở lao động thực hiện đầy đủ công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tăng cường giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động và đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm. Chủ động chỉ đạo quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao và tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động và các tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu chế xuất…
Chỉ đạo Sở LĐ,TB&XH chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp; xử lý nghiêm tình trạng người sử dụng lao động vi phạm các quy định, không thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
Tăng cường đảm bảo chất lượng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các nhóm đối tượng theo quy định. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.
Chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất và người sử dụng lao động tại cơ sở lao động tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các yếu tố có hại, các biện pháp vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc cho người lao động. Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đầy đủ cho các nhóm đối tượng; cải thiện điều kiện lao động; chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp đối với người lao động đặc biệt đối tượng làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Thực hiện tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tăng cường phối hợp với tổ chức công đoàn tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chấp hành pháp luật về an loàn vệ sinh lao động và nội quy, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động.
Các Sở Xây dựng, Công thương, NN&PTNT, TT&TT và các Ban/ngành trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và ngành LĐTB&XH tổ chức triển khai hiệu quả những quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn.
Nguồn: PT (Tổng hợp)
Tác giả: Dung Nguyen Trong
Ý kiến bạn đọc