Kế hoạch được ban hành nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng tình hình thực tiễn.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ phải chủ động, tích cực triển khai thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công việc, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí. Quá trình thực hiện phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ triển khai thi hành có hiệu quả Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến nội dung của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn, in, cấp phát tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở địa phương dành thời lượng phù hợp phổ biến, tuyên truyền Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chủ động lựa chọn hình thức và nội dung tuyên truyền Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành, UBND cấp huyện trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan khác đang còn hiệu lực thi hành để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp tổ chức tham gia ý kiến, góp ý, xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan về thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi có yêu cầu. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan chủ động rà soát, tham mưu đề xuất HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kế hoạch xây dựng ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh để quy định chi tiết, biện pháp thi hành phù hợp với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án kiện toàn thống nhất tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, định kỳ tổ chức kiểm tra việc triển khai thi hành các quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Nguồn: PT (Tổng hợp)
Tác giả: Dung Nguyen Trong
Ý kiến bạn đọc