Việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2024 nhằm xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; phát hiện những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính tại các đơn vị, địa phương nhằm kịp thời giải quyết hoặc tham mưu các cơ quan có thẩm quyền biện pháp giải quyết đối với những vấn đề còn bất cập, khó khăn. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; góp phần hạn chế các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
UBND tỉnh yêu cầu thực hiện đúng các nguyên tắc, nội dung và hình thức kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện Kế hoạch và theo Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối tượng kiểm tra gồm: Đối với các Sở, ngành cấp tỉnh, kiểm tra thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt (Cục trưởng, Chi Cục trưởng, Đội trưởng) và người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế tại Cục Thuế, Chi Cục Thuế và Đội thuế trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính tại Sở Văn hóa và thể thao; Ban Quản lý khu Kinh tế Đông Nam.
Đối với UBND cấp huyện, cấp xã, kiểm tra Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt (Chủ tịch UBND) và người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: An ninh trật tự, bổ trợ tư pháp, văn hóa, y tế, xây dựng, tài nguyên và môi trường tại UBND huyện và UBND cấp xã thuộc các huyện: Hưng Nguyên, Quỳ Hợp và thị xã Cửa lò.
Nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ; Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ.
Trong đó, sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc thực hiện các quy định pháp luật về giải trình; quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu nộp tiền phạt; lưu trữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Công tác chỉ đạo, điều hành; việc xây dựng và tiến độ, kết quả triển khai kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ...
Theo kế hoạch, thời gian kiểm tra từ ngày 01/5 - 30/10/2024 (Thời gian cụ thể đối với từng đối tượng, Đoàn kiểm tra sẽ thông báo trước 15 ngày làm việc tính từ thời điểm kiểm tra). Niên độ kiểm tra từ ngày 01/01/2021 - 31/12/2023.
Nguồn: Kim Oanh (tổng hợp)