Theo đó, tại Công văn số 6466/BTP-PLHSHC, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt nội dung của Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, đặc biệt là người dân ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân tộc, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục rà soát, bố trí hợp lý đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho người làm đầu mối cung cấp thông tin, tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu về các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công bố Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin; thường xuyên cập nhật và công khai Danh mục thông tin phải được công khai và Danh mục thông tin được tiếp cận có điều kiện; tổ chức xây dựng và duy trì Chuyên mục về tiếp cận thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan mình.
Tiếp tục tổ chức rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của các thông tin do cơ quan, đơn vị tạo ra; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm cung cấp cho công dân, bảo đảm hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; chú trọng công tác số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu và kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để có thể truy cập thông tin dễ dàng từ các hệ thống khác nhau và tăng cường cung cấp thông tin qua mạng điện tử.
Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết khác cho việc cung cấp thông tin cho công dân; thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp thông tin, công khai thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng, phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số, chính quyền số, đô thị thông minh.
Tiếp tục theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin tại cơ quan, địa phương mình; chỉ đạo đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin trong việc xử lý, phân loại thông tin, thống kê số liệu về kết quả cung cấp thông tin cho công dân theo từng năm. Tiếp tục hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin thuộc phạm vi quản lý.
Nguồn: H.L (tổng hợp)